Năm học mới: Rà soát, cắt giảm tối đa chi phí
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, các trường rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Chỉ thị nêu rõ, năm học 2021 - 2022 là năm toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học. Đồng thời, ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, các trường rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.
Chỉ thị cũng đặt ra các nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể là nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi; Triển khai chương trình mới ở lớp 1, 2 và 6, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở các lớp tiếp theo; Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; Đổi mới nội dung hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.
Ở bậc giáo dục đại học, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức hiệu quả các quy định về tuyển sinh và đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo, thuộc các trình độ của giáo dục đại học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh yêu cầu cần phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và đào tạo sau đại học; Tăng cường kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, trong đó ưu tiên các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.
Minh Dương (T/h)