Thứ năm, 18/04/2024 15:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/03/2020 08:12 (GMT+7)

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Theo dõi KTMT trên

Ngoài chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp còn chịu thêm 2 tác động lớn là tính cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Vuc Sinh/TTXVN)

Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đang bị đe dọa bởi 3 thách thức lớn.

Đó là ngoài chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành còn chịu thêm 2 tác động lớn là tính cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, điển hình là mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn… và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành phải đảm bảo hạn chế thấp nhất những thách thức đó bởi là ngành tạo ra lương thực, thực phẩm nên lúc nào cũng phải đảm bảo cung ứng vững chắc cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, không để thực phẩm tăng giá và tránh trục lợi. Do vậy, ngành cần thúc đẩy sản xuất kèm theo các giải pháp ứng phó với dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,

Sau dịch bệnh, thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa. Vì vậy, ngành cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu.

“Khó khăn “kép” nhưng ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu “kép” là xuất khẩu và an sinh, đảm bảo môi trường bền vững.

Để đảm bảo mục tiêu đó, các đơn vị, ngành hàng phải nhận diện rõ nguy cơ, thách thức để có các giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chỉ cần một thành tố không hoàn thành thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị và kể cả doanh nghiệp cần xác định rõ vai trò của người đứng đầu, phát huy lợi thế để biến nguy thành cơ, khai thác hết các cơ hội có được.

Vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua là điển hình của sự sáng tạo, cương quyết nên vụ này đã được mùa và "né" được hạn, mặn. Tuy nhiên, vụ Hè Thu dự báo tiếp tục gặp thách thức về hạn hán ở một số vùng, nếu các địa phương có giải pháp tốt thì sẽ đạt được kết quả tốt.

Đối với thực phẩm, Bộ trưởng cho biết, năm nay ngành cần đảm bảo sản xuất đủ 5,6 - 5,8 triệu tấn thịt. Hiện 99% số xã đã không còn dịch tả lợn châu Phi, các địa phương hết dịch phải đẩy mạnh tái đàn lợn, bên cạnh đàn gà, bò, thủy sản… đang phát triển tốt.

Về thị trường xuất khẩu, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách. Các đoàn công tác của Bộ thời gian tới sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp và phối hợp cùng các Bộ, ngành khôi phục thị trường Trung Quốc; đồng thời mở cửa thêm các sản phẩm với thị trường này.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao.

Năm nay, sản lượng gạo sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn. Rau các loại có gần 1 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 18,2 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2019; quả với 1,1 triệu ha cho sản lượng khoảng 13,3 triệu tấn, tăng trên 6%.

Chăn nuôi dự kiến sẽ khống chế được dịch bệnh nên tái đàn lợn cũng tăng nhanh. Tổng sản lượng thịt trong chăn nuôi sẽ đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16%. Với sản lượng này, trong nước sẽ không thiếu thịt. Sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang đang tập trung quyết liệt chỉ đạo sản xuất không để gián đoạn, vừa bảo vệ đàn vật nuôi vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là những sản phẩm đặc sản mà Bắc Giang có thế mạnh là lợn, gà, hoa quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ về cơ chế trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Về nguồn cung thịt lợn của doanh nghiệp, ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, hiện nay sản lượng của Công ty đã tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư thêm các nhà máy chế biến sâu hoặc liên kết với các cơ sở giết mổ để sản phẩm hạn chế thấp nhất các khâu trung gian, giá thịt lợn hợp lý hơn.

Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu thực phẩm trong nước có thể tăng, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, Tập đoàn tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng. Cụ thể, Tập đoàn tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.

Tập đoàn Masan cũng kết hợp với Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong cả nước thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.

Tập đoàn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân; đồng thời cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và giao hàng tại nhà.

Là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nafoods Group kiến nghị, Bộ cần tiếp tục quan tâm mở cửa thị trường, giới thiệu thêm sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải được triển khai nhanh chóng.

Bích Hồng

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới