Thứ bảy, 23/11/2024 04:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/05/2021 17:30 (GMT+7)

Thúc đẩy phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, bên cạnh ý nghĩa về khía cạnh kinh tế, phát huy tiềm năng quốc gia, nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam.

Nghề nuôi biển phát triển nhanh

Mới đây, Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy, Cơ quan Innovation Norway và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin, trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế hai nước.

Thứ trưởng cũng cho biết, Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2021 đã đề ra một số mục tiêu, trong đó có giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.

"Nghề nuôi biển đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua. Theo đó, tổng diện tích nuôi biển tăng từ 38.800 ha lên hơn 256 nghìn ha, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,3%/năm". 

TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam.

Về sản lượng nuôi biển, nếu năm 2010 mới đạt 156.681 tấn thì đến năm 2019 đã đạt 597.751 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Năm 2020, sản lượng nuôi biển đạt 610 nghìn tấn, bao gồm: cá biển 58 nghìn tấn, nhuyễn thể 375 nghìn tấn, tôm hùm 2,1 nghìn tấn, cua ghẹ 55 tấn, rong biển 120 nghìn tấn.

Về tiêu thụ sản phẩm nuôi biển, nhuyễn thể, hiện đã có 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàng năm xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 100 triệu USD, trong đó vào thị trường chính là EU (chiếm 64,2%), còn lại là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… Bên cạnh khía cạnh kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia ven biển, nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam.

Thúc đẩy phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp - Ảnh 1
Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). (Ảnh: dantri.com.vn)

Sản phẩm rong tảo chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến thạch, làm bánh kẹo, một số doanh nghiệp đã liên kết chế biến rong xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôm hùm nuôi tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90% tổng sản lượng thu hoạch), phần nhỏ tiêu thụ nội địa. Cá biển nuôi phần lớn xuất khẩu dạng tươi sống sang Trung Quốc, một khối lượng không lớn xuất khẩu sang Mỹ, EU sau chế biến với kim ngạch khoảng 30 triệu USD/năm.

Xây dựng giải pháp chiến lược

Theo TS Trần Đình Luân, công nghiệp nuôi biển ở Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành bộ phận chính của kinh tế biển. Đồng thời, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng top 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi; Sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; Giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD vào năm 2045.

Cũng trong Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.

Để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh, theo Tổng cục Thủy sản cho biết, hàng loạt chính sách đã được thiết kế. Cụ thể, Nhà nước sẽ miễn, giảm thuế đất, mặt nước, miễn giảm các loại thuế phí cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để nhập công nghệ, vật tư, thiết bị phục vụ nuôi biển, Nhà nước sẽ giao quyền sử dụng đất đai, mặt nước lâu dài để doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển ổn định và cho phép chuyển đổi diện tích hoạt động các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành nuôi biển của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vấn đề lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn hạn chế, chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phát triển nuôi biển chưa đủ mạnh để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, nhất là các doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư đồng bộ. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; Hệ thống lồng bè, công nghệ phụ trợ cho nuôi biển phù hợp với thời tiết Việt Nam chưa phát triển, nhất là phục vụ nuôi ở các vùng biển xa...

Chính vì vậy trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn Việt Nam và Na Uy cần tăng cường trao đổi, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng lợi thế, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản để thúc đẩy ngành nuôi biển phát triển một cách bền vững. Hai bên cùng hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi trên các lĩnh vực trong chuỗi giá trị sản xuất nuôi biển.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng điều này đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh. Để phát triển thành công ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nguồn nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng”, ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway chia sẻ. 

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới