Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm cán bộ ăn thịt chim trời
Mới đây, ông Phạm Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã ký ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loại chim trời trên địa bàn tỉnh.
Xe tải hạng nặng ‘tung hoành’ tại cảng Chân Mây gây ô nhiễm môi trường |
Lên cao nguyên Măng Đen ngắm mai anh đào nở sớm |
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Nhiều tụ điểm buôn bán động vật hoang dã đã được xóa bỏ, số vụ vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã giảm đáng kể, nhận thức của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng săn bắt, bắn, bẫy và mua bán các loài động vật rừng, các loài chim trời như sẻ, chào mào, vịt trời, gà nước… tái diễn tại các địa phương. UBND tỉnh đã có những chỉ đạo để hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loài chim trời, đồng thời từng bước xây dựng Huế trở thành đô thị với những lâm viên xanh, là nơi trú ngụ an toàn của các loài chim thú, tạo sức hấp dẫn cho du khách và cộng đồng.
Số lượng chim thiên nhiên đang có xu hướng giảm tại nhiều địa phương. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá;
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim trời và các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài chim trời;
Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài chim trời. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của nhà nước về săn, bắn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài chim trời;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát Môi trường, Công an huyện, thị xã, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn lập kế hoạch, quy chế phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về săn, bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển các loài chim trời theo quy định, cũng như giám sát các địa phương đơn vị thực hiện các nội dung của Chỉ thị này; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh quản lý các hoạt động liên quan đến các loài chim cảnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định khác có liên quan.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo vệ động vật quý hiếm trên địa bàn. |
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế theo đúng quy định;
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh để đưa hoạt động săn, bẫy, vận chuyển, mua bán các loài chim trời vào hệ thống quản lý đô thị thông minh Huế để giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời.
Đại Nghĩa - Lâm Tây