Thừa Thiên-Huế: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản có chặn được 'đất-cát tặc'?
Nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, tăng nguồn thu cho ngân sách, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020.
Khai thác đất trái phép ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế). |
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép diễn ra nhức nhối trên địa bàn. Thông qua đấu giá, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và trách nhiệm với địa phương nơi có khoáng sản...
Tỉnh này cũng quy định cụ thể 37 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2020 gồm: đất sét làm gạch ngói 10 khu vực; đất làm vật liệu san lấp 13 khu vực; cát, sỏi làm vật liệu xây dựng 7 khu vực; cát nội đồng 1 khu vực; đá làm vật liệu xây dựng thông thường 5 khu vực; than bùn 1 khu vực.
Công ty 939 (đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP.Huế) không có mỏ khai thác cát nhưng lại có bãi tập kết cát sát bờ sông Hương. |
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở Thừa Thiên - Huế đã làm ảnh hưởng đến trực tiếp đến dòng chảy, đê điều, gây sạt lở hai bên bờ sông, làm thu hẹp đất nông nghiệp. Hoạt động khai thác khoáng sản này đã gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến các công trình ven sông như các di tích lịch sử hai bên bờ sông Hương… và gây mất an ninh trật tự tại địa phương khiến người dân bức xúc.
Trong thời gian qua, tại Thừa Thiên - Huế đã xảy ra nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng các bãi tập kết chuyên thu mua cát lậu bị khai thác trái phép trên sông Hương đang là vấn đề khó xử lý.
Điển hình, theo ghi nhận của PV Kinh tế Môi trường, suốt hơn 1 tháng qua, bãi tập kết cát nằm sát bên sông Hương của Công ty 939 ở đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc, TP.Huế) luôn trong tình trạng “no” cát để bán ra thị trường. Tuy nhiên, Công ty 939 lại không có mỏ khai thác khoáng sản. Khoảng 7h sáng mỗi ngày, các xe ben ồ ạt, ra vào bãi tập kết để chở cát đi tiêu thụ.
Một đại diện của Công ty 939 cho biết công ty đang tiến hành tháo dỡ một số hạng mục, dọn dẹp bãi tập kết cát để bàn giao mặt bằng cho một đơn vị khác thuê lại. Tuy vậy, những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được cho thấy bãi tập kết cát bên bờ sông Hương của công ty này vẫn còn trữ lượng lớn.
Liên quan tới hoạt động mua bán cát “lậu”, đầu tháng 7/2019, Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố và bắt tạm giam 7 đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn để hợp thức hóa khối lượng cát khai thác, mua bán trái phép. Cụ thể, khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Thanh Liêm (Phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm) và kế toán Nguyễn Thanh Thủy; bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Phúc (Giám đốc HTX vận tải Xuân Long), Nguyễn Văn Phú, Võ Thị Minh Nguyệt (đều là Kế toán HTX vận tải Xuân Long), Phan Văn Hùng (Giám đốc Công ty Cổ phần 939) và kế toán Đỗ Thị Thùy Châu để điều tra hành vi mua bán hoá đơn trái phép.
Xe ben ồ ạt ra, vào chở cát đi tiêu thụ tại bãi tập kết của Công ty 939. |
Đại Nghĩa