Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Thông báo kết luận nêu rõ: Trong các ngày 27, 28 tháng 10 năm 2020, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (cùng với bão Xangsane năm 2006), đã gây hậu quả rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Để triển khai ứng phó với bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện: số 1470/CĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2020 và số 1490/CĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020 thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9.
Mưa lũ lớn và bão số 9 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Để khẩn trương hỗ trợ người dân, các ngành, các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị sạt lở có ngưòi bị vùi lấp, khu vực bị cô lập do mưa lũ để phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khẩn trương chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương theo quy định.
Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra tại các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn (giãn, hoãn, xóa nợ,...) cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ quốc gia theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp kịp thời cho các địa phương, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất. Các mặt hàng xuất cấp bảo đảm chất lượng, phân bổ đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ.
PV