Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác...
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Công văn nêu rõ, gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa biến chủng mới phát hiện của Covid-19 là Omicron vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại”. Các ca nhiễm Omicron đã được ghi nhận ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Công, Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada và Nam Phi.
Tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 đến nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng Omicron từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: Đây là biến chủng mới thì đương nhiên khi xuất hiện nó sẽ lây lan sang các khu vực khác của thế giới nếu như công tác phòng dịch không đảm bảo an toàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, cũng giống như các biến chủng khác, khi Omicron đã xuất hiện thì kiểu gì cũng sẽ lây lan. Tuy nhiên, tác động của nó ở mức độ nào thì Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn đang trong giai đoạn đánh giá. Ngoài ra, WHO xếp loại các chủng theo thang, từ nhóm cần quan tâm đặc biệt đến nhóm cảnh báo thì chủng mới Omicron đang được xếp vào thang cần quan tâm đặc biệt.
Trả lời về vấn đề biến chủng mới có khả năng xâm nhập vào Việt Nam và nước ta có nên hạn chế người dân đến các nước liên quan, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng: Hiện nay, vì đây biến chủng cần quan tâm đặc biệt nên Tổ chức Y tế thế giới đang dồn sức vào để xem xét, đánh giá thế nào. Sau khi đánh giá xong thì mọi chính sách mới quyết định chính xác được. Với Việt Nam thì vẫn phải cảnh giác, loại chủng mới này thì các nước đều phải cẩn trọng chứ không riêng gì nước ta.
“Chúng ta phải thận trọng để chờ đánh giá tiếp về chủng mới này của các chuyên gia bởi Omicron mới phát hiện nên đánh giá về tác động, tác hại vẫn chưa có thông tin đầy đủ”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định.
Hà Lan