Thứ sáu, 22/11/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ ba, 31/01/2023 06:58 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Cần sớm trình Nghị định kinh doanh xăng dầu

Tại Chỉ thị số 03, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, tạo năng lực sản xuất mới.

Bộ Công Thương cần theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, giảm khâu trung gian.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ này sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu - Ảnh 1
hủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ người dân dịp lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào nội địa; cập nhật, bảo đảm tiến độ thông quan hàng hóa, nhất là đối với hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bộ cần tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng.

Lạm phát trở lại khi thuế bảo vệ môi trường tăng

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng đầu tiên của năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,52% so với tháng trước với 8 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá; 2 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm bưu chính, viễn thông có giá ổn định so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% so với tháng 12/2022, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,89% với chỉ số giá gạo tăng 0,84% do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán (giá gạo nếp tăng 1,68%; gạo tẻ thường tăng 0,82%; gạo tẻ ngon tăng 0,7% so với tháng trước).

Trong tháng Tết, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,95% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm… Giá thịt lợn tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 5.000-20.000 đồng/kg trong những ngày giáp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. 

Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong ngày lễ ông Công, ông Táo và dịp Tết Nguyên đán tăng cao cũng khiến giá thịt gia cầm tăng 1,23% so với tháng trước, trong đó thịt gà tăng 1,38% và thịt gia cầm khác tăng 0,72%; bánh, mứt, kẹo tăng 1,23%; hoa quả tươi, chế biến tăng 3,25% (giá chuối tăng mạnh 4,76%; xoài tăng 3,57%; táo tăng 2,03%; quả có múi tăng 1,88%).

Sau gần 2 tháng giá rau ở mức cao, giá rau trong tháng 1 lại giảm do thời tiết thuận lợi, nguồn cung rau dồi dào, giá rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán ổn định. Trong đó, giá bắp cải giảm 3,24%; đỗ quả tươi giảm 2,14%; khoai tây giảm 1,88%.

Nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66% và theo đó, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá trong tháng 1 tăng 1,12% so với tháng 12/2022.

Tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số giá là nhóm giao thông với mức tăng 1,39% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, trong tháng giá xăng tăng 2,31% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá, trong đó giá xăng A95 tăng 1.450 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.380 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu diezen giảm 2,15% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng cũng tăng 0,48% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,56%; dịch vụ giao thông công cộng tăng tới 8,81%.

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khác có chỉ số giá tăng là văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,42%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,36%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,62%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,7%). Ngược lại, chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; giáo dục giảm 0,15%.

Cơ quan thống kê cho hay, do Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 1 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1 là những yếu tố làm cho CPI tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tăng 5,21%.

Giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít từ 19h ngày 30/1

Tại kỳ điều hành tối nay, giá xăng dầu tăng hàng loạt. Cụ thể, giá xăng E5 tăng 977 đồng/lít; xăng A95 tăng 993 đồng/lít. Như vậy, giá bán xăng E5 sau điều chỉnh là 22.329 đồng/lít; xăng A95 là 23.147 đồng/lít.

Cùng với xăng, giá dầu diesel cũng tăng 890 đồng/lít, đẩy giá bán là 22.524 đồng/lít; dầu hoả tăng 767 đồng/lít lên 22.576 đồng/lít; dầu mazut tăng 568 đồng/kg, lên 13.934 đồng/kg.

Kỳ điều hành này, mặt hàng xăng dầu tăng cao, để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu sau dịp Tết Nguyên đán năm 2023, liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng mức chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với mặt hàng xăng E5 lên mức 850 đồng/lít, xăng A95 lên mức 950 đồng/lít.

Đồng thời nhà điều hành cũng giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng dầu về mức 200 đồng/lít/kg, để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới