Thủ tướng triệu tập nhiều doanh nghiệp lớn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Hưng Thịnh, Vinaconex, Phát Đạt… sẽ dự Hội nghị do Thủ tướng chủ trì để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Ngày 12/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi mời nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Những doanh nghiệp lớn được mời họp gồm: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Masan, TH, Đèo Cả, Novaland, Hưng Thịnh, Savico, Taseco; các tổng công ty, như: Đầu tư phát triển công nghiệp, Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội; các CTCP như: Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân, Đầu tư IMG, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Vinaconex...
Theo đó, hội nghị sẽ bắt đầu vào 8h ngày 14/3/2024 tại Văn phòng Chính phủ và do Thủ tướng chủ trì, cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Trước đó, ngày 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
Thông điệp chính được nhấn mạnh là khắc phục “thổi giá”, “đẩy giá” bất động sản, thúc đẩy phân khúc bình dân.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng...
"Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành bất động sản là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ", ông Đào Minh Tú nói.
Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP. Hà Nội… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
"Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV trao đổi.
Một số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Trước đó, ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công văn hỏa tốc tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
H.A