Thủ tướng: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được "hồi sinh" mang nhiều ý nghĩa to lớn
Thủ tướng nhấn mạnh, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực miền Bắc và cả nước, đóng góp hạ tầng quan trọng về năng lượng cho khu vực.
Sáng 27/4, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thái Bình; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200MW - là dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Dự án được khởi công đầu năm 2011, sau nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với phương châm hồi sinh từ khát vọng vượt lên chính mình, đến nay, hai tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho Hệ thống điện Quốc gia trên 1 tỷ kWh.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.
Sự trỗi dậy thắp lên nhiều hy vọng
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc khánh thành Dự án hôm nay thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chị đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, của tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh thái Bình.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Điều này tạo niềm tin về một Nhà máy nhiệt điện hiện đại, bảo đảm chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả và đáp ứng yếu tố về môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án hoàn thành “được người, được của, được tổ chức, được lòng dân”, tạo niềm tin cho chúng ta về một Nhà máy nhiệt điện hiện đại, bảo đảm chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả và đáp ứng yếu tố về môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực miền Bắc và cả nước, nhất là trong thời điểm nắng nóng cuối mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7 trước đây thường xảy ra việc thiếu hụt cục bộ.
Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự cố gắng vượt bậc và năng lực của Chủ đầu tư, Tổng thầu trong việc hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt than có quy mô công suất lớn. Qua đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một lần nữa khẳng định được vai trò tiên phong, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao; triển khai thành công các dự án hạ tầng quan trọng. Đặc biệt là có thời điểm tưởng chừng như Dự án đã phải “đóng băng” do vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và nguồn vốn. Nhưng vượt lên tất cả, trên mảnh đất Thái Bình - nơi tìm được nguồn khí đầu tiên của ngành Dầu khí, bằng khát khao, bản sắc và trí tuệ của Người đi tìm lửa, tập thể CBNV Petrovietnam đã miệt mài không quản ngày đêm, dốc hết sức mình cho sự hồi sinh, hoàn thành và bảo đảm đưa vào vận hành công trình đối với dự án trọng điểm quốc gia - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Khẳng định được sự đúng đắn, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh năng lượng; giao các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các dự án quan trọng...; cũng như việc xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện, dự án đã trải qua nhiều giai đoạn biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid – 19; xử lý các vi phạm đã gây ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án. Qua báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án hoàn thành mà Ngân sách Nhà nước không phải bổ sung thêm, dự kiến sẽ không vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Qua đó được nhân dân và dư luận tin tưởng, ủng hộ, đặc biệt là người dân vùng dự án.
Đóng góp hạ tầng quan trọng về năng lượng cho khu vực, cùng với đó giúp gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tác động chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, có nguồn thu ngân sách lớn, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt đối với Thái Bình trước đây được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp.
Bài học cho các dự án sau này
Quá trình triển khai và hồi sinh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các dự án khác đang và sẽ triển khai của cả nước nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng.
Trước hết, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết; nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng khách quan, không đội vốn, không mất cán bộ, không lãng phí; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nhất là trong lúc khó khăn.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; luôn đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược; nhất quán, xuyên suốt, kịp thời; không chủ quan, lơ là...; chủ động ứng phó linh hoạt với những diễn biến phát sinh; thực sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tinh thần đổi mới, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường.
Trong tổ chức thực hiện phải đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; công tác phối hợp; tổ chức triển khai khoa học, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không thoái thác; nâng cao chất lượng phối hợp công tác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Đồng thời, huy động hiệu quả mọi nguồn lực đất nước; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài; phát huy sức mạnh tổng hợp.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại công việc, bảo đảm nhà máy vận hành theo tiêu chí hiện đại, hiệu quả, an toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành; không để xảy ra sự cố do yếu tố chủ quan; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy và người dân; tiếp tục tạo công ăn, việc làm và sinh kế người dân, ổn định, nâng cao đời sống cho những người dân đã nhường mặt bằng.
Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc phát triển hệ thống điện phải bảo đảm 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện hợp lý.
Hà Lan