Thứ sáu, 22/11/2024 11:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/07/2021 14:34 (GMT+7)

Thủ tướng: Lấy thực tiễn làm thước đo trong phòng chống dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc "bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch.

Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng: Lấy thực tiễn làm thước đo trong phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1
Phiên họp Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Ảnh: VOV

Theo VOV đưa tin, phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã trải qua gần 100 ngày. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP.HCM, một số tỉnh phía Nam và miền Trung. Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các nước châu Á và Đông Nam Á. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tin thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng khẳng định, dịch Covid-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên “cuộc chiến” phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vaccine ngừa Covid-19. Do đó có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Thời gian qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã vào cuộc mạnh mẽ, thiết thực đối với “cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19”. Trong đó, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết chung, dành nhiều thời lượng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt cho phép áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, kể cả những nội dung chưa được quy định trong luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Nhận định về tình hình dịch bệnh trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tính đến ngày 28/7, có 196 triệu ca mắc và hơn 4,19 triệu ca tử vong. Theo tổ chức Y tế thế giới, số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi trên thế giới, trong hai tháng vừa qua đạt gần mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho biết thêm, tâm dịch đang chuyển sang Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, Brazil. Riêng Đông Nam Á, đến ngày 29/7 đã có 7 triệu ca mắc và gần 140 ngàn ca tử vong. Trong đó, Indonesia, Malaysia, Thái Lan nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu về số ca nhiễm trong ngày.

Các nước đã có tỷ lệ tiêm chủng cao như châu Âu và Mỹ thì dịch cũng đang bùng phát trở lại. Châu Âu ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau 8 ngày. Mỹ sau một thời gian giảm số ca nhiễm mới cũng tăng gấp 3 lần (từ ngày 6/7 là 27.000 ca/ngày, đến này 8/7 tăng lên 84.000 ca/ngày).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM. Số ca mắc phát hiện từ các khu dân cư cộng đồng, khu phong tỏa trong thời gian qua rất cao, cho thấy việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng còn mạnh.

Bên cạnh đó, số phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế đã có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lây lan dịch bệnh. Việc giãn cách xã hội trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm ngặt hơn: Các doanh nghiệp không thiết yếu buộc phải đóng cửa, thực hiện lệnh giới nghiêm không để người dân ra đường sau 18h,... sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thời gian tới, số ca nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang”, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, giảm giao lưu, tiếp xúc. Do dịch bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây nhiễm và lây lan đến nhiều địa điểm, khu vực trong thời gian dài.

Tại các tỉnh lân cận với TP.HCM như Bình Dương, Long An đã xuất hiện mô hình lây lan tương tự TP.HCM ở giai đoạn đầu. Số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên do áp dụng các biện pháp giãn cách sớm, dân số và mật độ dân cư không cao như TP.HCM, do vậy diễn biến dịch bệnh sẽ giảm mức độ phức tạp.

Trong công tác điều trị giai đoạn 4, có 28.963 người đã khỏi bệnh. Hiện nay, các bệnh viện đang điều trị cho 95.770 người bệnh. Tính đến ngày 28/7/2021, qua các đợt tiêm chủng, cả nước đã tiêm được 5.379.717 liều, trong đó có 4.349.153 người đã được tiêm mũi 1 và 515.282 người tiêm mũi 2.

Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương đang khẩn trương triển khai kiểm định vaccine theo quy định, phân bổ và tổ chức tiêm, ưu tiên các đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, người lao động tại các khu công nghiệp, người dân ở vùng có nguy cơ cao.

Bộ Y tế cũng đề xuất các giải pháp trong phòng, chống dịch như: Tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tiếp tục huy động cán bộ y tế, tình nguyện viên, trong những ngày tới sẽ tập trung bổ sung nhân lực cho các cơ sở cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp giảm mắc, giảm lây nhiễm, giảm tử vong, tăng cường năng lực thu dung, điều trị và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Trong lĩnh vực vận tải, Chính phủ nhấn mạnh việc tiếp tục hướng dẫn phân luồng, kiểm soát giao thông đảm bảo phòng chống dịch và lưu thông hàng hóa; triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương; Tiếp tục khẩn trương đôn đốc tiến độ mua sắm, giao hàng đối với các đơn hàng mua vaccine đã ký kết hợp đồng; hỗ trợ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước; ưu tiên cung cấp và triển khai việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, đơn vị này vừa phân bổ hơn 2,9 triệu liều vaccine AstraZeneca.Theo kế hoạch Bộ Y tế phân bổ hơn 2,9 triệu liều vaccine AstraZeneca, TP.HCM và TP Hà Nội nhận nhiều nhất với 270.000 liều mỗi nơi.

Quyết định phân bổ 2,9 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca (đợt 15 và 16), được Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký ngày 28/7. Đây là vaccine do công ty VNVC nhập khẩu và từ cơ chế Covax Facility cung ứng.

Theo đó, vaccine được phân bổ cho các tỉnh thành, 23 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và lực lượng công an, quân đội.

Khu vực miền Bắc nhận 1.071.200 liều. Trong đó, TP Hà Nội nhận nhiều nhất, kế tiếp là Thanh Hóa và Nghệ An cùng 56.000 liều, Bắc Giang 38.200 liều...

Khu vực miền Trung được phân bổ tổng cộng 342.000 liều. Trong đó, Thừa Thiên Huế 38.300 liều, Quảng Bình 20.300 liều, Đà Nẵng 54.000 liều...

Khu vực Tây Nguyên được phân bổ tổng số 92.300 liều, gồm Kon Tum nhận 11.900 liều, Đăk Nông 13.400 liều, Gia Lai 32.000 liều và Đăk Lăk 35.000 liều.

Khu vực miền Nam nhận 1.097.700 liều, trong đó TP HCM nhận nhiều nhất, kế đó là Bình Dương và Đồng Nai đều 73.000 liều, Cần Thơ 39.400 liều, Long An 53.700 liều...

Bộ Y tế cũng phân bổ 245.000 liều cho các bệnh viện trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bệnh viện Thống Nhất nhận nhiều nhất là 24.000 liều. Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi đơn vị nhận 22.000 liều. Lực lượng Quân đội và công an cùng được phân bổ 31.000 liều. 

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tổ chức tiếp nhận, tiêm chủng an toàn. Trường hợp không sử dụng hết vaccine hoặc có nhu cầu sử dụng thêm thì phối hợp với các dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur TP.HCM để chủ động điều phối.

Kỳ Trinh

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Lấy thực tiễn làm thước đo trong phòng chống dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới