Thứ sáu, 03/05/2024 09:52 (GMT+7)
Thứ ba, 14/11/2023 07:47 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ: Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng nhấn mạnh, Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng số.

Thanh Hóa cần thực hiện tốt "3 thông và 3 khâu"

Trong chuyến làm việc tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong hơn nửa nhiệm kỳ qua của tỉnh đã đạt được. Để đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện tốt “3 thông” gồm cơ chế, chính sách thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản lý sắp xếp, điều hành thông minh. Bên cạnh đó phải tập trung “3 khâu” đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực cho sự phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ: Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phải nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ ỷ lại; “không lạc quan khi tình hình thuận lợi, đừng bi quan khi tình hình khó khăn”. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, văn hóa. Trong đó, tập trung xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh quảng bá về du lịch Thanh Hóa; ưu tiên đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục, đào tạo ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động tại các khu công nghiệp.

Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường. Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc tiếp tục quan tâm giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Đi liền với đó, coi trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; tích cực hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thống nhất với các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, với tinh thần sớm nhất, nhanh nhất. Với những đường hướng chiến lược đã được hoạch định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sớm xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Thanh Hóa đưa ra 14 kiến nghị tới Thủ tướng

Báo cáo của tỉnh ủy Thanh Hóa đưa ra 14 đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong đó, có những đề xuất quan trọng như:

Để triển khai Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 06/4/2022 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha). Đồng thời, Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết liên đến quan quy định tại Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg, Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg các quy định của pháp luật hiện hành. UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6158/UBND-NN ngày 08/5/2023 báo cáo và kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 quyết định nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ: Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vị trí nối liền Bắc bộ với Trung bộ, là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực Tây Bắc. Trên địa bàn tỉnh có Cảng nước sâu Nghi Sơn hiện tại có thể tiếp nhận tàu Container và tàu có trọng tải 70.000 tấn ra, vào. Bên cạnh đó, có Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong những khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước; có Cảng hàng không Thọ Xuân đã đi vào hoạt động, đã được quy hoạch phát triển thành cảng hàng không Quốc tế.

Mặt khác, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La lên đến Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Những yếu tố nêu trên là điều kiện quan trọng để phát triển liên kết vùng, mở rộng giao thương, liên kết phát triển kinh tế, du lịch giữa Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc.

Tuy nhiên, hiện nay giao thông đi lại giữa Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc còn nhiều khó khăn, hạn chế phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đặc biệt là vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh Tây Bắc đến Cảng nước sâu Nghi Sơn. Để khắc phục điểm nghẽn về giao thông, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình với chiều dài khoảng 89km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Quốc lộ 217 là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của tỉnh Thanh Hóa, kết nối cửa khẩu quốc tế Na Mèo với các tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh. Hiện trạng Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh là đường cấp V đồng bằng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, năng lực khai thác bị hạn chế. Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 8740/BGTVT-KHĐT ngày 24/8/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay WB (trong đó có tuyến Quốc lộ 217 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 59,42km). Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho triển khai thực hiện đầu tư dự án nêu trên...

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, một số đề xuất kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kinh tế của tỉnh được duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm (giai đoạn 2021 - 2023) ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Trong đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 3,85%. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363 xã đạt chuẩn NTM, 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 01 sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có một số sản phẩm sản lượng trong nhóm dẫn đầu cả nước như: lọc hóa dầu, xi măng, thép; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hằng năm ước đạt 15,41%. Lĩnh vực xây dựng đạt kết quả tích cực; hệ thống quy hoạch ngày càng đồng bộ; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 10,11%; Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 38%, tăng 3% so với năm 2020.

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, trong đó có một số ngành phát triển mạnh, nhất là du lịch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Số lượt khách du lịch tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch tăng bình quân 32,5%/năm. Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính ngân hàng từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển.

Thu ngân sách nhà nước hằng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; 9 tháng năm 2023 ước đạt 28.728 tỷ đồng, bằng 81% dự toán. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3%.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ: Thanh Hóa phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Tin mới