Thanh Hóa: Nhiều dự án nguồn điện nghìn tỷ dang dở, “đắp chiếu”
Tại Thanh Hóa, dự án Nhiệt điện Công Thanh có suất đầu tư hơn 21.500 tỷ đồng, dự án Thủy điện Hồi Xuân tổng mức đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng, dự án Điện mặt trời Kiên Thọ có mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng là 3 trong số nhiều dự án nguồn điện đang “đắp chiếu”.
Nhiều dự án nguồn điện gặp khó
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 33 dự án nguồn điện đã được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 5.033,2 MW gồm: 23 dự án thủy điện (846,2 MW), 03 dự án nhiệt điện (2.400 MW), 01 dự án điện khí LNG (1.500 MW), 03 dự án điện mặt trời (235 MW), 02 dự án phát điện từ nhiệt dư của nhà máy xi măng (34 MW), 01 dự án điện rác (18 MW). Bên cạnh đó còn một số dự án điện gió, điện sinh khối, điện rác đã trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch và đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Về thuỷ điện, toàn tỉnh Thanh Hóa có 23 dự án với tổng công suất 846,2MW đã được quy hoạch, trong đó có 11 dự án tổng công suất 607,7 MW đã đi vào vận hành, gồm: Cửa Đạt (260 MW), Trung Sơn (260 MW), Bá Thước 1 (60 MW), Bá Thước 2 (80 MW), Dốc Cáy (15 MW), Bái Thượng (6MW), Thành Sơn (30MW), Xuân Minh (15MW), Cẩm Thủy 1 (28,8MW), Trí Năng (5,4MW), Trung Xuân (10,5MW); Có 02 dự án thủy điện đang đầu tư, gồm: Hồi Xuân (102 MW), Sông Âm (14 MW). Ngoài ra, có 02 dự án đã chấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được triển khai xây dựng, gồm: Sơn Lư (7MW), Tam Thanh (7MW).
Hiện vẫn còn 08 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Xuân Khao (7,5MW), Mường Mìn (13MW), Sơn Điện (13MW), Nam Động 1 (12MW), Nam Động 2 (12MW), Bản Khả (7MW), Cẩm Thủy 2 (32MW), Thủy điện - thủy lợi Tén Tằn (12MW). Ngoài ra, còn có 02 nhà máy thủy điện nhỏ không có trong quy hoạch đang hoạt động là Sông Mực (2 MW), Bàn Thạch (0,96 MW).
Về nhiệt điện, Thanh Hoá đã quy hoạch 03 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 2.400 MW, trong đó có 02 nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (600MW) và Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW) đã vận hành phát điện. Còn lại dự án Nhiệt điện Công Thanh (600 MW) đang đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi sang sử dụng khí LNG và nâng công suất lên 1.500 MW.
Về điện khí LNG: Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, bổ sung dự án LNG Nghi Sơn (1.500 MW) tại KKT Nghi Sơn, đồng thời sẽ xem xét các vị trí tiềm năng tại khu vực Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Quỳnh Lập (Nghệ An) để phát triển dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn (1.500 MW) trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; các dự án này đều thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư.
Hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo khẩn trương triển khai các hồ sơ, thủ tục đảm bảo các điều kiện lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án LNG Nghi Sơn.
Về điện mặt trời, có 03 dự án với tổng công suất 235MW đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó: Nhà máy điện mặt trời Yên Thái (30MW) đã vận hành; 02 dự án điện mặt trời Thanh Hóa I (160MW) và điện mặt trời Kiên Thọ (45 MW) đang đầu tư, các dự án triển khai chậm tiến độ do hiện chưa có cơ chế giá bán điện.
Có 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 57,05MW đã được lắp đặt, hiện đang vận hành ổn định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 09 dự án điện mặt trời với tổng công suất 561,6 MW. Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt, các dự án điện mặt trời này chỉ có thể phát triển theo hình thức tự sản, tự tiêu, không phát lên lưới.
Về điện nhiệt dư, hiện đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh 02 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư của các nhà máy xi măng Nghi Sơn (20 MW), Công Thanh (14 MW), hiện đang triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, còn có các hệ thống điện nhiệt dư gắn với các nhà máy xi măng Công Thanh (16,2MW), xi măng Long Sơn (24 MW) đang vận hành; hệ thống nhiệt dư của các nhà máy xi măng Đại Dương (15 MW), dây chuyền 4 xi măng Long Sơn (10 MW) đang được đầu tư (các hệ thống này gắn luôn với dây chuyền sản xuất của nhà máy giai đoạn lập dự án nên không bổ sung quy hoạch phát triển điện lực). Ngoài ra, còn có 01 hệ thống phát điện tự dùng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 349,4MW.
Về điện rác (điện đốt chất thải rắn): Có 01 dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (18 MW) đã được bổ sung quy hoạch, hiện đang chuẩn bị đầu tư. Còn có 02 dự án là điện rác Thọ Xuân (12MW) và điện rác Nghi Sơn (20 MW) đã trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung vào quy hoạch.
Về điện gió, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo, đề nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 05 dự án với tổng công suất 1.749 MW, gồm: Phong điện Bắc Phương - Nghi Sơn (150 MW), Phong điện Hải Lâm (49,5 MW) và phong điện Thanh Phú (49,5 MW) đều tại KKT Nghi Sơn; Dự án điện gió Thái Hải Hùng (500 MW) tại huyện Quảng Xương, điện gió Mường Lát (1.000 MW) tại huyện Mường Lát. Quy hoạch điện VIII ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió; hiện trên địa bàn tỉnh mới có dự án điện gió Bắc Phương triển khai khảo sát đo gió trên thực địa, tuy nhiên kết quả số liệu ban đầu không cao, phải có cơ chế giá điện phù hợp mới đảm bảo hiệu quả kinh tế khi triển khai đầu tư.
Về điện sinh khối, có 03 dự án điện sinh khối dùng nhiên liệu bã mía của các nhà máy đường đã vận hành với tổng công suất 47,7MW, gồm: Điện sinh khối Nhà máy đường Lam Sơn 33,2MW, điện sinh khối Nhà máy đường Việt Đài 10MW, điện sinh khối Nhà máy đường Nông Cống 4,5MW. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công thương đề nghị bổ sung quy hoạch điện lực 03 dự án, gồm: Điện sinh khối Như Thanh (10 MW), điện sinh khối Ngọc Lặc (60MW), điện sinh khối Bá Thước (50MW).
Nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 19 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất 2.488,3 MW (gồm: 02 nhà máy nhiệt điện, 13 nhà máy thủy điện, 03 nhà máy điện sinh khối, 01 nhà máy điện mặt trời); sản lượng điện năng phát lên lưới điện quốc gia theo thiết kế đạt gần 14 tỷ kwh/năm; sản lượng điện sản xuất năm 2023 ước đạt khoảng 11,08 tỷ kwh, gấp 1,81 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, một số chủ đầu tư dự án khó khăn trong bố trí nguồn vốn để thực hiện, chậm tiến độ kéo dài (thuỷ điện Hồi Xuân, nhiệt điện Công Thanh); việc xem xét chủ trương triển khai các dự án thủy điện còn nhiều vướng mắc; các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện LNG còn phải phụ thuộc về cơ chế giá và các quy định về hợp đồng mua bán điện của Trung ương…
Đáng chú ý, dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 25/1/2017. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng do Công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu 403 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng thương mại 2.278 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án này khoảng 150ha. Công suất thiết kế của nhà máy điện năng lượng mặt trời này là 90MW. Dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000m2), móng đặt tấm pin NLMT (1.080.000m2) và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.
Theo đúng tiến độ thì dự án được khởi công từ quý I/2017 và đưa vào sử dụng từ quý IV/2019. Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ này lại "đắp chiếu" từ đó đến nay. Mặt khác, việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án đã khiến cho khu đất bị bỏ hoang trong nhiều năm do người dân không thể canh tác.
Nan giải hơn, dự án Thủy điện Hồi Xuân (Thanh Hóa) được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK, ngày 31-3-2005; được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) phê duyệt tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3.300 tỷ, đến nay tổng mức đầu tư dự án đã lên tới 5350 tỷ đồng, hiện khối lượng thi công đã đạt 93% khối lượng công việc nhưng bất ngờ lâm vào tình cảnh chậm tiến độ, thi công dở dang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án. Trong đó, có hơn 655 ha đất trong vùng lòng hồ dự án thủy điện bị ảnh hưởng, và hàng ngàn hộ dân bị tác động. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Dự án Thuỷ điện Hồi Xuân có quy mô công suất khá lớn, đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 -2015, có xét đến năm 2025. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hoá, là nguồn điện nền, điện sạch đóng góp quan trọng vào cung ứng điện năng cho khu vực miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, dự án đã bị dừng thi công từ 4 - 5 năm nay, gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện quốc gia giai đoạn 2020 - 2025; ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Bi kịch nhất là Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có tổng mức đầu tư ban đầu là 21.480 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 70 ha. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2008, địa điểm thực hiện đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Hiện doanh nghiệp đang xin chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ, đề xuất chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ (2 tỷ USD). Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án này hiện đang ngập trong thua lỗ, nợ nần.
Dự án Nhiệt điện Công Thanh sau khi chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW, trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (vị trí hiện trạng của dự án Nhiệt điện Công Thanh). Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm 9 tỷ kWh. Theo tìm hiểu, danh mục các dự án điện than chậm tiến độ, theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII kèm theo Quyết định số 500 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nên thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ đạo này.
Tuy nhiên, đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh, Bộ Công Thương có ghi chú “Xem xét cho phép chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG”. Trong quá trình góp ý hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị lưu ý năng lực của chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Công Thanh vì chủ đầu tư khởi công dự án từ ngày 5/3/2011 nhưng không có tiến triển. Ngoài ra, việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG cùng với việc nâng công suất từ 600MW lên 1.500MW (nếu được chấp thuận) đối với dự án đã có nhà đầu tư cần phải xem xét đến năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, "tránh trường hợp nhà đầu tư không thực hiện được dự án có quy mô nhỏ hơn mà không bị xem xét chấm dứt lại tiếp tục được thực hiện dự án có quy mô lớn hơn", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm.
Hơn nữa, Công ty xi măng Công Thanh, doanh nghiệp chủ lực của Tập đoàn Công Thanh, chủ đầu tư dự án đã 7 năm lỗ liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ, lỗ lũy kế xấp xỉ 6.000 tỷ. Ngoài ra, doanh nghiệp đang có số nợ phải trả lên đến hơn 17.000 tỷ, trong đó nhiều khoản nợ đã quá hạn, phải gia hạn nhiều lần nhưng doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền trả nợ. Vì thế việc đặt ra câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư dự án, nguy cơ dự án tiếp tục chậm tiến độ, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phá vỡ cấu trúc phát điện Quy hoạch điện VIII, gây lãng phí tài nguyên đất và các hệ lụy khác là câu hỏi bức thiết cần đặt ra, nhằm khuyến cáo, đưa ra giải pháp phù hợp để các cơ quan chức năng đưa ra quyết định phù hợp là cần thiết.
Hoàng Đức