Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ phá rừng tại tỉnh Phú Yên
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về phá rừng tại tỉnh Phú Yên.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn và đặc biệt có liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên như vụ phá rừng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân.
Tình trạng người dân phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân vào khoảng đầu tháng 7/2020. Ban đầu chỉ vài hộ, nhưng sau đó nhiều người cùng vào để phát rừng chiếm đất làm rẫy. Nguyên nhân là do gần đây UBND huyện Đồng Xuân có chủ trương và thống nhất xây dựng phương án giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân ở địa phương đang thiếu đất sản xuất.
Cụ thể, địa phương sẽ giao khoảng 310ha đất lâm nghiệp tại các tiểu khu 74, 75, V2.2. Tại các tiểu khu 74 và 75, tỉnh cũng đã có chủ trương giao trả lại địa phương khai thác rừng trồng, xây dựng phương án giao đất cho dân. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân đang tiến hành khai thác cây rừng trồng ở 02 tiểu khu này để bàn giao đất cho địa phương.
UBND xã Phú Mỡ đã họp, bình xét gần 100 hộ dân thiếu đất sản xuất và đang tiến hành các bước tiếp theo để giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân này có đất sản xuất. Biết được thông tin địa phương sẽ giao đất lâm nghiệp cho người dân nên một số người đã vào rừng chặt hạ cây rừng lấn chiếm đất trái phép.
Vụ phá rừng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân có liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên |
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, có 53,65ha đất rừng, trong đó đất quy hoạch rừng phòng hộ là 11,48ha, rừng sản xuất là 42,17ha tại 6 tiểu khu (59, 67, 72, 73, 74, 75) xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân bị người dân đốt thực bì, lấn chiếm đất lâm nghiệp, một số diện tích bị phá đang là rừng tái sinh.
Toàn bộ diện tích rừng này do UBND xã Phú Mỡ quản lý. Các khu rừng bị phá cách trụ sở UBND xã Phú Mỡ chỉ hơn 04 km. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 40 người tham gia phá rừng, trong đó có 13 cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ.'
Trước đó, đầu tháng 9/2020, trong quá trình điều tra vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phát hiện một khu rừng khác bị phá với quy mô lớn, hậu quả nghiêm trọng hơn tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Kết quả điều tra ban đầu xác định lâm tặc đã mở con đường vào rừng rộng 03m, dài gần 01km, đốn hạ hơn 200 cây gỗ lớn.
Rừng tại tỉnh Phú Yên liên tục bị "chảy máu" |
Tháng 5/2020, báo chí phản ánh vụ phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh.
Khu rừng thứ nhất bị phá tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý. Tại khu rừng này, lâm tặc đã sử dụng cơ giới mở một con đường vào rừng rộng 03m, dài hơn 70m, đốn hạ 115 cây gỗ lớn.
Khu rừng thứ hai bị phá tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa do UBND xã Sơn Thành Tây quản lý. Tại khu vực này, lâm tặc cũng mở con đường vào rừng rộng 03m, dài 690m, đốn hạ 25 cây gỗ lớn.
Cuối tháng 8/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam ba bị can để điều tra tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Mỹ Bình