Thu hồi giấy phép của 2 thương nhân phân phối xăng dầu
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật.
Cụ thể, tại Quyết định số 1891/QĐ-BCT ngày 17/7/2024 về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đã quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long. Địa chỉ: Số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 028 38232262; Số Fax: 02838239466.
Tên giao dịch đối ngoại: ME KONG FUEL TRADING CORPORATION
Trước đó, doanh nghiệp này được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 415-TNPP/QĐ-BCT do Bộ Công Thương cấp ngày 13 tháng 4 năm 2021.
Tại Quyết định số 1892/QĐ-BCT ngày 17/7/2024, Bộ Công Thương Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật. Địa chỉ:Ssố 18 Phía Nam trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Số điện thoại: 0868.115.777.
Trước đó, Công ty này được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 382-TNPP/QĐ-BCT do Bộ Công Thương cấp ngày 25 tháng 12 năm 2020.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối báo cáo về điều kiện kinh doanh theo quy định. Thế nhưng, qua rà soát, nhiều đơn vị không duy trì được các điều kiện này. Từ đầu năm, có 16 thương nhân đề nghị trả lại. Bộ đã thu hồi giấy chứng nhận theo đề nghị của thương nhân.
Bộ Công Thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng không là ngoại lệ. Năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330. Đến nay, số này giảm còn 298 thương nhân tham gia thị trường.
Đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi trả lại giấy chứng nhận làm thương nhân phân phối, nếu tiếp tục kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ cho thương nhân khác và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. Còn nếu không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất. Như vậy, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu, gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước cho các doanh nghiệp đầu mối. Từ đầu năm cơ bản các đầu mối thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Cụ thể, tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước thực hiện quý II khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Tiêu thụ trong quý vào khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho còn khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn, cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.