Thu gom chất thải tại khu vực phong tỏa ở Hà Nội thực hiện theo quy trình nào?
Các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa ở Hà Nội thực hiện quy trình thu gom vận chuyển chất thải của người dân theo quy định chung của thành phố.
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trong công tác bảo vệ môi trường; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Sở Y tế tuyên truyền, giám sát việc phân loại chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế bảo đảm phân loại triệt để; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trong công tác phân loại, lưu giữ, bàn giao chất thải lây nhiễm tại cơ sở cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm...
Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại chủ động xây dựng phương án giao nhận chất thải, quy trình khử khuẩn thiết bị, phương tiện vận chuyển, xử lý đối với các chất thải tiếp nhận tại các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh; cung cấp túi đựng chất thải lây nhiễm, thiết bị thu gom, phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người cách ly tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.
Thành phố lưu ý, tại các khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung: Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Thùng, dụng cụ đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải được vệ sinh và khử khuẩn ngay sau khi sử dụng bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính.
Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày.
Tại phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, chất thải phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.
Tại khu vực phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19, đối với chất thải phát sinh từ nhà, phòng có trường hợp mắc Covid-19 (F0) thì tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm và thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi rồi cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Đối với chất thải phát sinh từ nhà phòng cách ly người tiếp xúc gần (F1) và chất thải phát sinh từ nhà phong cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) thì thực hiện theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, cần quản lý chất thải tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp có trường hợp mắc bệnh theo hướng dẫn tại công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
Tại cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 cần theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh tại khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế…
Bộ Y tế đánh giá, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương dẫn đến gia tăng lượng chất thải liên quan đến người nhiễm SARS-CoV-2, người cách ly tại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, các cơ sở cách ly tập trung, nơi cách ly tại nhà; khu vực phong tỏa. Theo Bộ Y tế, qua kiểm tra và phản ánh từ các cơ quan hữu quan, một số địa phương còn có tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom và xử lý triệt để chất thải từ hoạt động phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, phương án, hướng dẫn xử lý chất thải trong trường hợp dịch Covid-19 lây lan rộng ra cộng đồng và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với UBND cấp tỉnh thống kê, lựa chọn cơ sở xử lý chất thải nguy hại (có chức năng xử lý chất thải y tế) để thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ tỉnh, thành phố không có cơ sở xử lý chất thải y tế hoặc năng lực của cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại không bảo đảm.
Xuân Hòa (t/h)