Thông điệp văn hóa xanh tại không gian lễ hội Sen Hà Nội 2024
Cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa, xây dựng đô thị sinh thái bền vững của TP.Hà Nội.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm từ văn hóa sen
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ bao đời, hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Bởi vậy mà người Việt Nam luôn tự hào thể hiện nét đẹp của sen trước bạn bè quốc tế.
Tại lễ hội, Sen đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, âm nhạc, hội họa và rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sen cũng là hình ảnh, chất liệu được đưa vào nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người Việt.
Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 16/7/2024. Trong đêm khai mạc, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 2 chứng nhận Kỷ lục là "Số lượng người đạp xe tham gia hành trình xanh sắc sen Tây Hồ đông nhất Việt Nam với 7.000 người" và "Số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đông nhất Việt Nam là 1.000 người".
Theo Ban tổ chức, lễ hội Sen Hà Nội nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa Hà Nội, trong đó nêu bật giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cùng những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Đồng thời đây cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Dưới sự sảng tạo của con người, sản phẩm từ sen đã có mặt tại sự kiện như hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen... Điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện của hàng ngàn bông sen – đại diện một số giống sen quý thuộc các vùng trong cả nước... Những đoá sen đủ màu sắc không chỉ được trưng bày tại khu tiểu cảnh trang trí sự kiện mà còn hiện diện xen kẽ trong các gian hàng OCOP, bên cạnh hồ sen Hồ Tây nổi tiếng.đang khoe sắc tạo nên không gian thực sự ấn tượng. Khu trải nghiệm về sản phẩm Sen bao gồm tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca từ xưa đến nay về sen cũng thu hút sự quan tâm của mọi người. Cùng với sự xuất hiện nổi bật và độc đáo của hoa sen tràn ngập trong không gian lễ hội, sự kiện giới thiệu hơn 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP là đặc sản các vùng miền phía Bắc với nhiều sản phẩm đa dạng phong phú, hứa hẹn là điểm mua sắm thú vị cho du khách.
Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen; chương trình Khảo sát - Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”...
Thông điệp văn hóa xanh từ không gian hội họa
Nơi trưng bày Lễ hội Sen 2024, du khách ấn tượng bởi điểm nhấn không gian hội họa, với bức tranh kính chân dung Bác Hồ được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền hay bức tranh "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được tạo tác từ trên 2 vạn bông hoa sen. Mang đến cảm giác hòa vào phong cảnh thiên nhiên, vừa thư thái, yên bình, vừa tự hào về quốc hồn dân tộc.
Và đặc biệt, bức tranh sen Liên Hoa Tịnh Cảnh của họa sỹ Nguyễn Thị Kim Đức được đặt ở vị trí trang trọng trước khu trưng bày tại lễ hội lần này. Đây là bức tranh sen đã từng nhận được sự quan tâm, yêu mến của đông đảo du khách tại triển lãm Sen Việt năm 2023 trước đó. Với những ai chưa có dịp chiêm ngưỡng Liên Hoa Tịnh Cảnh, thì lễ hội là dịp để thưởng thức tác phẩm, cảm nhận những tinh túy nghệ thuật từ hồn sen thấm đẫm văn hóa Việt, lan tỏa đời sống an nhiên an tịnh, yêu văn hóa xanh, môi trường xanh. Bức tranh Liên Hoa Tịnh Cảnh đã được gia trì bởi các vị cao tăng của Việt Nam như Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch GHPGVN, cùng các lãnh đạo GHPGVN. Trước đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII, Đức tăng thống Myanma Sayadaw Sandimar Bhivamsa khi tới Việt Nam cũng đã chiêm ngưỡng và gia trì cho bức tranh hữu duyên này.
Cùng hàng ngàn bông sen tỏa hương thơm ngát, bức tranh Liên Hoa Tịnh Cảnh với nhiều giá trị về thẩm mỹ, được dịp cùng khoe sắc, như luồng gió tươi mát, xua tan nắng nóng của mùa hè, tạo thêm năng lượng mới cho những người đến tham gia lễ hội sen được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và giá trị tinh thần của hoa sen trong đời sống người Việt.
Một số hình ảnh lễ hội:
Hải Yến