Thứ sáu, 27/12/2024 04:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/03/2020 06:00 (GMT+7)

Thời tiết ấm lên có thực sự khiến Covid-19 giảm lây lan?

Theo dõi KTMT trên

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được cho là lan truyền nhanh nhất khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cảnh báo sẽ sai lầm nếu nghĩ dịch bệnh tự động biến mất khi nhiệt độ ngoài trời gia tăng.

Thời tiết ấm lên có thực sự khiến Covid-19 giảm lây lan? - Ảnh 1
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng khí hậu lạnh và khô ở thành phố Vũ Hán có thể là điều kiện thuận lợi để virus lây lan. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Tờ South China Morning Post mới đây đã trích nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Tôn Dật Tiên, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc cho rằng, tốc độ lan truyền của virus SARS-CoV-2 phụ thuộc vào mùa và nhiệt độ.

Theo đó, sau một loạt các thí nghiệm, tổng hợp các báo cáo thời tiết trong tháng 1 ở Trung Quốc và một số quốc gia khác, nghiên cứu cho thấy đỉnh điểm của đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 xảy ra vào những ngày mà nhiệt độ trung bình là 8,72 độ C. Nhiệt độ tăng ít nhất vài độ sẽ dẫn đến việc giảm tỉ lệ mắc bệnh.

"Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể sự lây lan của Covid-19", báo cáo viết. "Và có tồn tại nhiệt độ thích hợp nhất cho sự lây nhiễm". Covid-19 được cho là "cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao". Đây có thể là lý do tại sao nó không lây lan quá nhiều ở các nước khí hậu ấm – ngược lại với tình trạng ở các nước khí hậu lạnh, điều xảy ra với các loại virus tương tự gây bệnh cảm cúm thông thường hoặc cúm mùa..

Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất, "các nước và khu vực có nhiệt độ thấp cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo nhất".

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học bao gồm cả nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Đại học Harvard lại cho rằng, vẫn có khả năng duy trì thậm chí là gia tăng lây nhiễm Covid-19 trong những điều kiện độ ẩm khác nhau – từ các tỉnh lạnh và khô tại Trung Quốc cho tới các địa điểm nhiệt đới, như Quảng Tây, khu tự trị người Choang ở miền nam Trung Quốc và Singapore.

"Một mình yếu tố thời tiết, chẳng hạn như việc tăng nhiệt độ và độ ẩm vào các tháng mùa xuân và mùa hè ở Bắc bán cầu, không nhất thiết dẫn đến việc suy giảm số ca nhiễm virus nếu như không có sự can thiệp y tế công cộng trên diện rộng", các nhà khoa học nhận định.

Thời tiết ấm lên có thực sự khiến Covid-19 giảm lây lan? - Ảnh 2
Mặc dù có nhiệt độ trung bình cao, Iran vẫn đang là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới. (Ảnh: AP).

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế thế giới Michael Ryan cũng nhận định không nên có hi vọng sai lầm về virus sẽ biến mất vào mùa hè: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng virus sẽ tiếp tục lan rộng và sai lầm khi hi vọng nó sẽ biến mất vào thời điểm mùa hè giống như cúm mùa. Chúng ta hi vọng điều đó xảy ra nhưng hiện không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra. Chúng ta phải chống lại virus ngay bây giờ chứ đừng sống với hi vọng virus có thể tự biến mất”.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Động thái được đưa ra sau khi đã có 4.200 người trên toàn cầu thiệt mạng vì căn bệnh.

"Đây là đại dịch đầu tiên do virus Corona chủng mới gây ra", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Trong hai tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng lên gấp 3 lần. Trong những ngày và tuần tới đây, chúng ta sẽ có thể thấy số ca, số người chết và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng cao nữa".

Ngay sau khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn cấp tăng cường ứng phó chống dịch Covid-19. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khi dịch bệnh trở thành đại dịch, các nước sẽ cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, như chuẩn bị cho các bệnh viện tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, khuyến khích người dân thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao tinh thần tự cách ly...

Bên cạnh đó, các nước có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau để chống dịch.

Theo TTXVN, ghi nhận đến tối 12/3, toàn thế giới có 3.187 ca nhiễm mới, 132 ca tử vong. Con số ca nhiễm trên toàn cầu kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc là 129.589 ca, 4.749 ca tử vong, 68.667 ca đã bình phục.

Tại Việt Nam ngày 12/3 ghi nhận thêm 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng số ca bệnh Covid-19 lên con số 44, không có ca tử vong, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi và ra viện.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Thời tiết ấm lên có thực sự khiến Covid-19 giảm lây lan?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn
Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.
Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé
Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình.

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.