Thiên tai gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương
Để cchủ động ứng phó với thiên tai, các tỉnh, thành tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm tình hình thiên tai qua các hệ thống thông tin đại chúng khi có diễn biến thời tiết bất thường xảy ra.
Người dân hỗ trợ đưa xe máy của chị Lò Thị Châu (ở tỉnh Lai Châu) từ dưới vực lên. (Ảnh: TTXVN phát) |
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, thiên tai (mưa to, dông, lốc, sét, sạt lở đất...) xảy ra trong 3 ngày 1-3/7 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho hay, vào khoảng 23 giờ ngày 2/7 đến 1 giờ ngày 3/7, trong quá trình đi tìm bò, anh Sùng A Dơ (sinh năm 1987, trú tại bản Sàng Sang, xã Mù Sang) đã không may bị trượt chân xuống suối biên giới Pa Nậm Cúm và bị nước suối cuốn trôi tại khu vực từ khoảng mốc giới số 67 đến mốc giới 68. Đến thời điểm này vẫn mất tích.
Ngay sau khi nhận được báo cáo, Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Mù Sang phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an huyện, Đồn Biên phòng Dào San, Ban Chỉ huy quân sự huyện và gia đình tổ chức tìm kiếm. Đồng thời chỉ đạo Đồn Biên phòng Dào San tổ chức viết thư và đề nghị trạm Hội Ngộ, hội đàm khu vực Kinh Bình (Trung Quốc) phối hợp tìm kiếm.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Ma Li Pho, Ủy ban Nhân dân thị trấn và Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng thông báo thông tin về anh Sùng A Dơ để phối hợp tìm kiếm.
Tại bản Lở Thàng 1, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường có 1 người bị thương nhẹ do bị đất vùi lấp, sạt lở 30 m ta luy dương đường tỉnh lộ 130 (San Thàng-Thèn Sin-Mường So) với khối lượng khoảng 1.120 m3. Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 50 triệu đồng.
Tại tỉnh Lào Cai, thiên tai đã làm 12 nhà bị ngập nước (thôn Công Trường 5, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai); 5 ha lúa, ngô (huyện Bát Xát) bị ngập úng...
Tuyến đường 156B, mưa lũ đã làm ngập các đoạn đi qua cây xăng Quang Kim (ngập sâu 0,5m-0,6m), đoạn đi qua Tổ 6 Thị trấn Bát Xát (ngập sâu 0,5m- 0,7m) gây ách tắc giao thông cục bộ.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 3/7 đường đã thông trở lại; Tuyến đường liên xã Quang Kim-Phìn Ngan có 2 điểm nước mưa tràn qua đường gây ách tắc giao thông trong khoảng 1 giờ.
Bờ đập đồng thời là đường giao thông tại Hồ Nhuần 4, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng bị sạt lở chân đập phía taluy âm dài khoảng 60m, gây nguy cơ mất an toàn cho thân đập (đập có dung tích khoảng 60.000m3, chiều cao đập đất khoảng 5m, chiều dài khoảng 65m, đỉnh đập kết hợp làm đường giao thông).
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã tổ chức đoàn kiểm tra đến hiện trường nơi sạt lở thân đập tại xã Phú Nhuận để đánh giá mức độ mất an toàn của thân đập, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động lực lượng, vật tư gia cố lại thân đập và xây dựng phương án khắc phục nhằm đảm bảo an toàn.
Tại tỉnh Hà Giang, mưa to từ ngày 1-2/7 gây ngập úng trên địa bàn huyện Vị Xuyên và huyện Xín Mần làm 2 nhà bị sụt lún, sạt lở 2 tuyến đường liên xã, thiệt hại 1.500m2 lúa, hoa màu và 1.100m2 ao cá truyền thống. Ước tổng thiệt hạ 25,5 triệu đồng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa dông ngày 1-2/7 trên địa bàn huyện Hàm Yên làm 1 nhà đổ sập (nhà sàn gỗ 03 gian). Ước thiệt hại 100 triệu đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn kèm lốc, sét chiều tối 1/7 trên địa bàn huyện Quỳ Châu và huyện Quế Phong làm 1 nhà bị sập, 2 nhà bị tốc mái; 2 con trâu bị sét đánh chết. Ước tổng thiệt hại 130 triệu đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại ổn định đời sống. Tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị mất tích, bị thương.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn huy động các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện hót, dọn trên tuyến đường bị sạt lở. Hiện tuyến đường tỉnh lộ 130 đã thông đường.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm tình hình thiên tai qua các hệ thống thông tin đại chúng khi có diễn biến thời tiết bất thường xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên cập nhật nắm bắt tình hình, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thắng Trung