Thế giới tuần qua: Lũ lụt hoành hành ở Indonesia và Ấn Độ, khói do cháy rừng bao phủ thành phố Yakutsk, Siberia
Mưa lớn ở Indonesia và Ấn độ đã khiến cho hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, hơn 300.000 người dân ở thành phố Yakutsk bị ảnh hưởng do cháy rừng...là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Mưa lũ hoành hành tại Indonesia và Ấn Độ
Ngày 16/7, nhà chức trách Indonesia cho biết tổng số người thiệt mạng do lũ tại huyện Luwu Utara ở tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia tăng lên 24, ngoài ra còn 69 người mất tích.
Lũ lụt tại Indonesia gây thiệt hại lớn về người và kinh tế. (Nguồn: EPA) |
Hiện tại có 39 trung tâm tạm trú dành cho những người phải rời bỏ nhà cửa, gồm cả những trung tâm ở các khu vực miền núi chỉ có thể đến bằng xe 2 bánh để chuyển giao hàng tiếp tế do các cây cầu và đường sá bị hư hại, lực lượng cứu nạn đang tìm kiếm tuyến đường khác để tiếp cận khu vực vùng núi.
Theo người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai của huyện Luwu Utara, ông Muslim Muchtar, cơ quan này vẫn đang tập trung tìm kiếm những người mất tích dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia. Ông Muchtar cho rằng, những người đang phải sơ tán cần được tiếp tế đồ ăn nhanh trong 2-3 ngày tới.
Ngày 16/7 tại các bang Assam, Bihar và Jharkhand của Ấn Độ, mưa lớn đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi làng, buộc hơn một triệu người phải tập trung trú ẩn tạm thời bất chấp nguy cơ nhiễm Covid-19. Chỉ trong vài ngày qua, có tới gần 1 triệu ca nhiễm bệnh được phát hiện tại quốc gia này.
Đến nay, ba bang này ghi nhận ít nhất 10 người tử vong và 70 người khác bị thương do mưa lũ. Các nhà chức trách Ấn Độ đang phải giải quyết hai bài toán cùng một lúc, đó là bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân và bảo đảm giãn cách xã hội tại các trung tâm sơ tán.
Tê giác một sừng di chuyển đến vùng đất cao hơn trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của Vườn quốc gia Kaziranga, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
Giới chức Ấn Độ cho biết, nhiều khu vực thuộc Vườn quốc gia Kaziranga tại bang Assam, nơi sinh sống của 2/3 số lượng tê giác một sừng đã chìm trong nước lũ. Nhiều động vật hoang dã đã chết, một số cá thể tê giác đã đi lạc vào các làng xung quanh để tránh lũ.
Khói mù do cháy rừng bao phủ thành phố Yakutsk, Siberia
Ngày 16/7, khói mù từ các đám cháy rừng đã bao trùm nhiều thành phố ở vùng Siberia. Hàng trăm lính cứu hỏa và tình nguyện viên nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa tới gần khu dân cư.
Khói mù do cháy rừng tại Siberia. (Ảnh: Reuters) |
Giới chức địa phương khẳng định khoanh vùng được ngọn lửa, song do gió đổi hướng nên khói mù đã lan vào khu vực thành phố. Nhiều hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy hàng loạt khu dân cư chìm trong màn sương mù trắng, trong đó thành phố Yakutsk với hơn 300.000 dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và hạn chế tập thể dục ngoài trời để tránh bị ảnh hưởng bởi khói mù.
Cuối tháng 6 năm nay, tại Vùng Bắc Cực, khoảng 1,15 triệu hecta rừng đã bị đốt cháy, giải phóng khoảng 56 triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển - nhiều hơn cả lượng khí thải hàng năm của các quốc gia như Thụy Sĩ và Na Uy. Lực lượng chức năng cho biết đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra ở phía Bắc Siberia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng.
Phá rừng ở Brazil tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái
Theo dữ liệu mới, 3.066km2 của Amazon của Brazil đã bị phá hủy trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rừng Amazon vẫn bị phá hủy một cách nhanh chóng mặc cho những nỗ lực của Chính phủ Brazil. |
Tính riêng trong tháng 6/2020, 2.248 vụ cháy đã được ghi nhận, diện tích rừng đã bị biến mất ở mức kỷ lục là 1.033km2 mỗi tháng, cao hơn 10,7% so với cùng thời điểm năm 2019.
Nguy cơ cháy rừng lên gần mức đỉnh điểm khi mùa khô bắt đầu ở Amazon. Mùa hè năm ngoái, đã diễn ra một số vụ hoả hoạn kỷ lục trong khu vực này. Phần lớn trong số đó được cho là xuất phát từ việc tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khuyến khích khai thác, canh tác bất hợp pháp ở Amazon song lại không áp dụng các biện pháp bảo tồn.
Ông Bolsonaro đã nhiều lần bác bỏ những chỉ trích về việc xử lý tình huống khẩn cấp của ông và đã tuyên bố hỗ trợ cho hoạt động thương mại nhiều hơn ở Amazon. Tuy nhiên, ông đã buộc phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cánh rừng sau khi các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu yêu cầu chính phủ Brazil giải quyết nạn phá rừng.
Ông Bolsonaro đã triển khai quân đội kể từ tháng 5 trong nỗ lực hạn chế nạn phá rừng và hiện dự kiến sẽ công bố lệnh cấm 120 ngày đối với các vụ cháy ở Amazon. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông cho đến nay chưa mang lại bất kỳ kết quả tích cực nào.
Thế giới hơn 14 triệu ca mắc, gần 600.000 ca tử vong do Covid-19
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 18/7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 14.153.728 trường hợp, trong đó 597.945 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 8.410.961 trường hợp.
Nhân viên y tế tại Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York. |
Tại ổ dịch lớn nhất thế giới, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 3.762.171 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 141.904 trường hợp.
Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, đã vượt mốc 1 triệu ca nhiễm Covid-19, cụ thể là 1.040.457 ca nhiễm, trong đó có 26.285 ca tử vong.
Ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia, ghi nhận 83.130 ca mắc và 3.957 ca tử vong do Covid-19. Các con số này ở Philippines là 63.001 và 1.660.
Trong khi thế giới đang bước vào giai đoạn bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, với số ca tăng vọt trở lại ở nhiều nước, nhiều khu vực, thì đường đua phát triển vaccine giữa các nước, các công ty lại trở nên gấp rút hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 23 loại vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 đang thử nghiệm trên người trên thế giới; trong đó mới chỉ có 3 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm ở giai đoạn cuối cùng, trên quy mô lớn.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thất nghiệp tăng, ngân sách Australia thâm hụt lớn nhất trong 75 năm
Sau gần 30 năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế thì đến nay ngân sách của nước này đang có nguy cơ thâm hụt hàng trăm tỉ đôla Australia (AUD) cũng do tác động của đại dịch Covid-19.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Australia cao nhất trong vòng 19 năm. |
Thị trường việc làm tại Australia mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa thể vận hành bình thường do các tác động của đại dịch Covid-19. Theo số liệu mới được Cơ quan Thống kê Australia công bố, hơn 210.000 lao động nước này đã tìm được việc làm trong tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, số lao động đi làm trở lại là khá nhỏ so với 835.000 người bị mất việc trong 2 tháng trước đó. Điều này đã kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tại Australia tăng lên mức 7,4% trong tháng 6.
Theo kế hoạch này, dự kiến đến tháng 4/2021 sẽ có khoảng 340.000 lao động trẻ đang thất nghiệp sẽ được đào tạo lại để những người này có thể tìm kiếm công việc mới sau đại dịch.
Dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế Australia điêu đứng, trong đó các ngành đang bị thiệt hại nhiều nhất bao gồm du lịch, giáo dục quốc tế và hàng không. Và để hỗ trợ người dân cùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đến nay Australia đã chi hơn 210 tỉ AUD cho các gói cứu trợ.
Theo một đánh giá mới đây của bà Cherelle Murphy, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng ANZ, việc phải chi số tiền lớn để giải cứu nền kinh tế trong khi nguồn thu bị sụt giảm có thể khiến ngân sách Australia thâm hụt hơn 100 tỉ AUD trong năm nay và trong năm tài chính tiếp theo số tiền thâm hụt có thể lên tới 230 tỉ AUD. Và đây sẽ là khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất tại Australia từ sau Thế chiến 2 đến nay.
Quang Huy