Thế giới có nguy cơ đánh mất mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Sau 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết, tình trạng ô nhiễm khí thải carbon vẫn gia tăng, các mức nhiệt qua thời gian cũng chạm những ngưỡng cao mới, kỷ lục về nhiệt độ xuất hiện với mật độ ngày càng dày.
5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn.
Thỏa thuận lịch sử này đạt được sau 13 ngày đàm phán đầy căng thẳng giữa các phái đoàn của 195 quốc gia dự Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tổ chức tại Paris (Pháp).
Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C cũng đã được thông qua.
Ngược lại với kỳ vọng, 5 năm sau khi hiệp định được ký kết, tình trạng ô nhiễm khí thải carbon vẫn gia tăng, các mức nhiệt qua thời gian cũng chạm những ngưỡng cao mới, những kỷ lục về nhiệt độ xuất hiện với mật độ ngày càng dày.
Bộ trưởng Kinh doanh Vương quốc Anh Alok Sharma cảnh báo: Thế giới vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 sau khi Hội nghị thượng đỉnh của hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới về khủng hoảng khí hậu kết thúc với một số cam kết mới về phát thải khí nhà kính.
“Liệu chúng ta đã làm đủ để đưa thế giới đi đúng hướng nhằm hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C, bảo vệ con người và thiên nhiên khỏi tác động của biến đổi khí hậu chưa? Chúng ta phải trung thực với chính mình – câu trả lời cho điều đó hiện tại là chưa” - ông Alok Sharma Sharma nói.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới đã thúc giục hành động nhanh hơn đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tuy nhiên, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái cam kết mục tiêu Trung Quốc đạt phát thải zero vào năm 2060, ông hầu như không đưa ra chi tiết mới nào về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên tới.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ “vượt kỳ vọng” trong việc hạn chế khí CO2 vào năm 2047, dịp kỷ niệm 100 năm ngày Ấn Độ độc lập, nhưng lại không đề cập đến khả năng giảm sản lượng than đá.
Ông Sharma sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch cho nỗ lực thương thuyết kế tiếp của Liên Hiệp Quốc, gọi là COP26, được dời lại và tổ chức tại Glasgow vào năm sau thay vì năm nay do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Anh kêu gọi các quốc gia hãy vạch kế hoạch hành động trước khi COP26 diễn ra, nhằm đạt được mục tiêu phát thải zero vào giữa thế kỷ này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres vận động tất cả lãnh đạo thế giới hãy tuyên bố biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp. Hiện đã có 38 quốc gia gọi biến đổi khí hậu là vấn đề khẩn cấp của quốc gia.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh nhều nước rót tiền vào các hoạt động sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.
Hàng ngàn tỉ USD cần thiết để phục hồi Covid-19 là tiền mà chúng ta đang vay từ các thế hệ tương lai. Chúng ta không thể sử dụng những nguồn lực này để khóa các chính sách gây gánh nặng cho các thế hệ tương lai với một núi nợ trên hành tinh này.
Mặc dù không có đại diện của Mỹ tại hội nghị, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố sẽ tổ chức một sự kiện lớn về khí hậu trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Bên cạnh đó, để chấm dứt hỗ trợ của các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, sau nhiều tháng áp lực từ các nhà vận động xanh. Khoảng 21 tỉ bảng Anh trong số tiền tài trợ như vậy đã được cung cấp trong 4 năm qua.
Rõ ràng các nhà vận động tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đã không đưa ra đủ cam kết mới rõ ràng để thực hiện thỏa thuận Paris.
Người đứng đầu chính sách khí hậu tại Oxfam Tim Gore cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu thiếu tham vọng thực sự. Các nhà lãnh đạo thế giới phải đẩy mạnh trong 12 tháng tới để kéo thế giới trở lại bờ vực của biến đổi khí hậu thảm khốc. Các cam kết cắt giảm khí thải trong thời gian ngắn vẫn không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu”.
Ông Mohamed Adow, Giám đốc Phụ trách Khí hậu và năng lượng của Power Shift Africa, cho biết: “Những cam kết về khí hậu sẽ là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo đang lắng nghe và hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ngày càng nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
Vương quốc Anh đã đưa ra mục tiêu cắt giảm 68% lượng khí thải vào năm 2030, so với mức của năm 1990. EU cũng xác nhận cam kết cắt giảm 55% vào năm 2030. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, đã đưa ra các mục tiêu dài hạn hơn là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc năm 2060.
Hoài Thu