Thứ sáu, 22/11/2024 22:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/03/2020 10:15 (GMT+7)

Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?

Theo dõi KTMT trên

Có hai nhóm nguyên nhân khiến doanh nghiệp dừng hoạt động trong quý 1, trong đó phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, số liệu thống kê được cơ quan chức năng công bố cho thấy GDP đạt mức 3,82% cho thấy đây là mức tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới.

Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Điều này thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến hạn chế tác hại và tiến tới chấm dứt dịch bệnh này. Thế nhưng, có một khía cạnh đáng chú ý, cùng với bảng số liệu được công bố có 18.600 doanh nghiệp ngưng hoạt động, vẫn là những lời kêu cứu đang trên bờ vực phá sản của rất nhiều doanh nghiệp, ở nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về nội dung này.

PV:Thưa ông,Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu khẳng định có 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1 năm nay. Tổng cục thống kê ghi nhận những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Nguyên nhân chính số doanh nghiệp dừng như thế thì có hai nhóm nguyên nhân, nhóm nguyên nhân đầu tiên là do dịch bệnh Covid-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ của người dân suy giảm, người dân người ta không đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả người lao động. Đồng thời là điều kiện sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, nguyên vật liệu không đủ nên suy giảm. Suy giảm cả do nhu cầu của nền kinh tế bị suy giảm và nội lực của các doanh nghiệp không đủ, bởi vì trong tổng số doanh nghiệp như thế đến 98% và doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô lao động rất nhỏ, quy mô vốn rất nhỏ.

Doanh nghiệp quy mô nhỏ khi có những “cú sốc” thì khó có thể trang trải được. Ngay những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước phát triển như Mỹ thì cũng đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ rất lớn mới có thể không bị đóng cửa, không phá sản. Khi mà dập xong dịch thì các doanh nghiệp này sẽ lại tiếp tục sản xuất chứ không thể sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh.

PV:Ông suy nghĩ thế nào khi hầu hết tất cả các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đều đồng loạt kêu cứu?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Thực ra dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả ngành kinh tế, tất cả các lĩnh vực, doanh nghiệp kêu bởi vì họ khó khăn. Chúng ta cũng cần phải phân chia ra nhóm doanh nghiệp theo quy mô vừa và nhỏ như thế nào, hoạt động trong ngành kinh tế gì thì sẽ phải chịu tác động nhiều.

Chẳng hạn cùng là doanh nghiệp, cùng quy mô như nhau nhưng nếu hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống trong lĩnh vực vận tải, trong lĩnh vực hàng không, trong lĩnh vực du lịch thì chắc chắn là khó khăn hơn những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực sản xuất của cải vật chất, như trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cho nên chúng ta cần phải phân chia ra những nhóm doanh nghiệp, chúng ta xác định được mức độ khó khăn của họ. Từ đó, Chính phủ có giải pháp giúp cho các nhóm doanh nghiệp ấy tồn tại và khắc phục lại sản xuất khi chúng ta dập dịch xong.

PV:Qua số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, chúng ta có thể xác định được cụ thể một vài ngành nghề, lĩnh vực nào là điển hình chịu tác động mạnh nhất?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Qua số liệu kinh tế của 3 tháng đầu năm và số liệu tổng mức bán lẻ suy giảm rất mạnh chúng tôi thấy nhóm về lưu trú, ăn uống suy giảm rất mạnh, du lịch suy giảm mạnh, nhóm vận tải đặc biệt vận tải hàng không suy giảm, vận tải đường bộ cũng suy giảm. Đó là những ngành, những nhóm mà nó ảnh hưởng rất mạnh từ Covid-19 đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cũng có những ngành được hưởng lợi như tài chính, ngân hàng, ngành thông tin, truyền thông là những ngành tận dụng được những khó khăn để vươn lên. Câu chuyện này đây chúng ta cần phải đánh giá cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các ngành phải có những giải pháp khác nhau và giải pháp thật cụ thể, làm sao giúp cho những doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể vượt qua được giai đoạn khó khăn.

PV:Xin cảm ơn ông!

Thu Trang

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới