'Thắt lưng buộc bụng' vì Covid-19, SHB sẽ giảm tối thiểu 1.000 tỉ đồng lợi nhuận
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ giảm lãi suất, phí dịch vụ cho khách hàng, chia sẻ khó khăn vì dịch vụ Covid-19. Nhà băng này sẽ cắt giảm tối thiểu 1.000 tỉ đồng lợi nhuận năm nay cùng hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng".
SHB sẽ cắt tối thiểu 1.000 tỉ đồng lợi nhuận năm nay và cắt giảm từ 10-50% lương cán bộ lãnh đạo. |
Theo đó, Ngân hàng SHB dành gói tín dụng 25.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói tín dụng này sẽ gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường.
SHB cũng miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, SHB đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chia sẻ và hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân. Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Cùng với đó là thực hiện phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đáng chú ý, SHB cho biết việc điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh giảm lợi nhuận năm 2020 với mức giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỉ đồng. Đến thời điểm này, SHB chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 để phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm nay do chỉ đạo chung hạn chế hội họp, tập trung đông người.
Việc cắt giảm 1.000 tỉ đồng lợi nhuận này tương ứng với giảm 34% so với kết quả lợi nhuận trước thuế là 3.077 tỉ đồng của năm 2019, và lãi sau thuế 2.458 tỉ đồng. Đây sẽ là cú sốc đối với cổ đông, nhà đầu tư khi ngân hàng đã liên tục báo lãi lớn với lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong 2 năm qua, thực hiện phát hành cổ phiếu với tổng khối lượng hơn 552 triệu cổ phiếu để tăng vốn.
Cuối năm 2019, SHB đã hoàn thành đợt phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức (tỉ lệ 20,9%), tương ứng giá trị tăng vốn điều lệ thêm 2.514 tỉ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng đã đạt mức 14.550 tỉ đồng. Sau đó, SHB tiếp tục được phát hành thêm 300,8 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiệu hữu để tiếp tục tăng vốn thêm 3.000 tỉ đồng. Đến nay, ngân hàng chưa công bố kết quả đợt phát hành này.
Mặc dù SHB liên tục báo lãi lớn, song vấn đề nợ xấu quá lớn sẽ khiến cho chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, làm giảm lợi nhuận. Cuối năm 2019, tỉ lệ nợ xấu của SHB được giảm mạnh về mức 1,8%, tương ứng gần 4.857 tỉ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu có nguy cơ mất vốn dù đã giảm xuống còn hơn 3.498 tỉ đồng, song vẫn đang là mối nguy cơ "đe doạ" tới lợi nhuận hàng năm. Bên cạnh đó, cuối năm 2019, ngân hàng cho biết đã thực hiện mua lại 5.773 tỉ đồng trái phiếu VAMC và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100%. Đây chủ yếu là những khoản nợ xấu từ thời nhận sáp nhập Habubank, được bán sang cho VAMC... Nhờ việc mua lại nợ xấu VAMC trước hạn mà SHB mới được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Được biết, những khoản nợ xấu tồn đọng từ thời Habubank rất phức tạp, khó xử lý thu hồi nợ, khiến cho SHB cũng đau đầu tìm cách tháo gỡ như khoản nợ xấu của Công ty Thuỷ Sản Bình An, Vinashin...
Cùng với việc giảm lợi nhuận, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, Ngân hàng SHB còn thực hiện giải pháp "thắt lưng buộc bụng" trên toàn hệ thống, bao gồm: tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.
Các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.
Minh Trần