Thứ năm, 19/09/2024 07:13 (GMT+7)
Thứ năm, 22/08/2024 16:22 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Theo dõi KTMT trên

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM lấy ý kiến cho Nghị quyết về mức phí tham quan bảo tàng trực thuộc. Giá vé mới tăng 20.000 đồng, kèm chính sách miễn phí cho một số trường hợp.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống bảo tàng thành phố đang không ngừng nỗ lực từng ngày, đổi mới và hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức trưng bày. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, học hỏi của công chúng mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành văn hóa trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Các bảo tàng đang từng bước tạo nên những điểm nhấn ấn tượng, mang đến trải nghiệm phong phú và đa dạng hơn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia khám phá, tìm hiểu.

Để đáp ứng những điều trên, vào tháng 10/2020, công trình trọng điểm "Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng" đã được khởi công với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng. Công trình gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi hiện đã hoàn thành 100% tầng 1. Các hạng mục như tranh sơn dầu, đai vách hộp hình, in ấn đồ họa ở tầng 3 và tầng 4 đang được thi công và dự kiến sẽ hoàn thiện và tiến hành bàn giao vào tháng 9/2024.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 1
Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Song song đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố để triển khai dự án mở rộng khu trưng bày với tổng vốn đầu tư 70 tỉ đồng. Cùng lúc, Bảo tàng Lịch sử thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích tiếp tục thi công dự án tu bổ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Đền Hùng. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM cũng đang tiến hành dự án cải tạo, mở rộng không gian trưng bày.

Theo Phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở VH&TT TP.HCM), việc hoàn thành các công trình này sẽ giúp hệ thống bảo tàng đảm bảo được cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng không gian trưng bày và bảo quản hiện vật theo đúng tiêu chuẩn bảo tàng học. Các bảo tàng sẽ có khả năng giới thiệu hiện vật một cách có hệ thống, linh hoạt và phong phú hơn, góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm cho người tham quan.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 2
Một góc phía bên trong của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Được biết, Sở VH&TT TP.HCM đang mời góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức thu phí tham quan các bảo tàng trực thuộc Sở. So với mức vé cũ, giá mới tăng 20.000 đồng, đồng thời thực hiện chính sách không thu phí tham quan đối với một số bảo tàng, miễn phí đối với một số trường hợp và những ngày đặc biệt.

Theo dự thảo, mức thu phí tham quan tại các bảo tàng trực thuộc Sở VH&TT TP.HCM được điều chỉnh cụ thể như sau: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí tham quan. Trong khi đó, vé tham quan tại Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được đề xuất ở mức 50.000 đồng/người/lượt, còn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có mức 60.000 đồng/người/lượt.

Bên cạnh đó, chính sách miễn phí tham quan được áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo và những người có công với Cách mạng. Người dân có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM sẽ được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du  trong các dịp lễ, kỷ niệm và sự kiện quan trọng của thành phố cũng như quốc gia, theo chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM về công tác tuyên truyền ngày lễ lớn hàng năm. Đặc biệt, người dân trong nước sẽ được miễn phí vào tham quan bảo tàng công lập nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Ngoài ra, các bảo tàng cũng sẽ giảm 50% phí tham quan cho học sinh, sinh viên và người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này tiếp cận với di sản văn hóa và lịch sử. Chính sách này không chỉ nhằm tăng cường thu hút công chúng mà còn khuyến khích tinh thần học hỏi, khám phá lịch sử và văn hóa trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 3
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Dự kiến, sau khi thành phố điều chỉnh mức thu phí tham quan bảo tàng nguồn thu sẽ tăng thêm khoảng 10 tỉ đồng. Khoản thu này chiếm khoảng 12,72% tổng doanh thu của các đơn vị góp phần quan trọng vào việc bổ sung chi phí bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý cơ sở vật chất, cũng như đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn.

Đối với vấn đề điều chỉnh thu phí tham quan bảo tàng, chia sẻ với truyền thông, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã có những nhận định liên quan. Ông cho rằng việc điều chỉnh thu phí tham quan là cần thiết bởi với mức phí hiện tại, các bảo tàng đang gặp khó khăn trong việc đầu tư vào cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng chuyên môn, điều này hạn chế khả năng thu hút và cải thiện trải nghiệm của khách tham quan. Mức phí mới không chỉ phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội mà còn giúp tăng cường chất lượng dịch vụ, tái đầu tư cơ sở vật chất và giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển ngành văn hóa của thành phố.

Bên cạnh đó, xoay quanh vấn đề này, bà Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng chia sẻ thêm với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường: “Tuy mức vé vào cổng hiện nay hơi thấp so với các bảo tàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lại là đơn vị tự chủ toàn phần nên chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất. Tuy nhiên điều hạn chế mà không chỉ bảo tàng chúng tôi tôi gặp phải mà rất nhiều đơn vị khác cũng khá khó khăn là về mặt thủ tục. Tất cả đều phải theo cơ chế, quy định, trình tự,…. nên rất mất nhiều thời gian để hoàn tất việc đầu tư các trang thiết bị mới phục vụ khách tham quan”.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản - Ảnh 4
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

TP.HCM đang không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua việc đầu tư vào hệ thống bảo tàng, tạo không gian trưng bày hiện đại và đa dạng hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về thủ tục và quy định hành chính khiến cho việc triển khai đầu tư trang thiết bị mới còn chậm. Dù vậy, với sự chủ động và sáng tạo của các đơn vị, thành phố vẫn đang từng bước cải thiện cơ sở vật chất, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ tạo ra những điểm đến hấp dẫn cho công chúng. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa mà còn giúp TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, gắn kết di sản với sự phát triển bền vững.

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Vinh danh 2 bảo vật quốc gia
Hai bảo vật quốc gia, Tượng thờ vua Pô Klong Garai và Bia Phước Thiện, sẽ được công nhận là di sản văn hóa tại Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại
Sau ba tháng sụt giảm liên tiếp, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 8 vừa qua đã tăng trở lại với 1,4 triệu lượt, nâng tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng lên 11,4 triệu.
Bình Thuận, Vũng Tàu thu hút du lịch dịp Quốc Khánh 2/9
Kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 kéo dài 4 ngày là cơ hội để các địa phương phát triển hệ thống du lịch biển, mặc dù thời tiết có phần bất lợi nhưng các bãi tắm, khu vui chơi, lưu trú trên địa bàn BR-VT và Bình Thuận vẫn thu hút đông đảo du khách.
Quảng Nam: Du lịch bứt phá và phát triển bền vững
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á 2024” trong Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 năm 2024.

Tin mới