Thứ năm, 02/05/2024 14:01 (GMT+7)
Thứ năm, 11/01/2024 07:46 (GMT+7)

Hoàn trả mặt bằng khi tận thu đất tại Thanh Hóa: Liệu chính quyền đã làm hết trách nhiệm?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã khước từ đồng ý gia hạn tận thu đối với Công ty Đông Phương, tuy nhiên để xảy ra việc người dân nơi đây bức xúc, liệu chính quyền đã làm hết trách nhiệm?

Trong 2 bài viết số ra ngày 27/12/2023 và 08/01/2024, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh về việc một số hộ dân tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bức xúc trước việc Công ty TNHH ĐTXD và DVTM Đông Phương (Công ty Đông Phương) sau khi hết hạn tận thu đất san lấp đã để lại nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Hoàn trả mặt bằng khi tận thu đất tại Thanh Hóa: Liệu chính quyền đã làm hết trách nhiệm? - Ảnh 1
Mặt bằng nham nhở sau khi doanh nghiệp tận thu đất khiến các hộ dân gặp khó khăn trong sản xuất.

Sau khi phản ánh, UBND huyện Thạch Thành đã thành lập đoàn kiểm tra gồm đại diện các đơn vị: Phòng TN&MT, phòng Kinh tế Hạ tầng, Công an huyện. Ngoài ra còn có sự tham gia của Sở TN&MT và chính quyền xã Thành Trực. Đoàn đã tiến hành kiểm tra hiện trường việc hoàn trả lại mặt bằng cho các hộ dân như đã phản ánh.

Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu Công ty Đông Phương phải san gạt bằng phẳng lại mặt bằng cho các hộ, cùng với đó phải tiến hành làm rảnh thoát nước để gom nước, không để nước chảy xuống phía dưới nhà các hộ dân. Về phía Công ty Đông Phương cũng đã cam kết sẽ hoàn trả lại mặt bằng cho 06 hộ dân trong vòng 20 ngày. Tuy nhiên qua sự việc cho thấy UBND xã Thành Trực liệu đã làm hết trách nhiệm khi để xảy ra những bức xúc từ phía các hộ dân?.

Bởi tại Công văn số 4116/UBND-CN ngày 29/3/2023 về việc giải quyết đề nghị tận thu đất trong quá trình hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành của Công ty TNHH ĐTXD và DVTM Đông Phương do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ký có nội dung nêu rõ: Giao UBND huyện Thạch Thành chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND xã Thành Trực giám sát quá trình thực hiện thi công phương án và tận thu đất thừa trong quá trình thi công hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng của Công ty TNHH ĐTXD và DVTM Đông Phương đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc thu hồi, vận chuyển đất thừa trong quá trình thực hiện phương án, đảm bảo đúng mục đích, tránh lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép. Trường hợp có dấu hiệu về hành vi vi phạm phải yêu cầu dừng ngay để khắc phục kịp thời và xử lý theo quy định…

Như vậy có thể thấy, việc giám sát quá trình thực hiện thi công phương án hạ độ cao, tạo mặt bằng làm nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm trên phần đất của 06 hộ dân tại thôn Chính Thành của UBND xã Thành Trực như nội dung tại công văn trên đã không được thực hiện nghiêm túc. Việc này dẫn đến mặt bằng trở nên nham nhở, xuất hiện nhiều hố sâu, đứng thành và tạo nên nhiều thành, vách ngăn cách, chia nhỏ mặt bằng khiến người dân bức xúc. Bên cạnh đó cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn liên quan khi để xảy ra vấn đề đã nêu nhưng đã không ngăn chặn kịp thời, đặc biệt là trong việc giám sát hoàn trả lại mặt bằng và phục hồi môi trường trước khi hết thời hạn tận thu theo quy định.

Hoàn trả mặt bằng khi tận thu đất tại Thanh Hóa: Liệu chính quyền đã làm hết trách nhiệm? - Ảnh 2
Một vài cây chuối nhỏ còn sót lại trong quá trình doanh nghiệp phục hồi môi trường trước khi hết hạn tận thu.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh, sau khi việc tận thu 41.071m3 đất san lấp kết thúc (vào ngày 29/8/2023) Công ty Đông Phương (đơn vị thực hiện hạ độ cao để làm nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm trên phần đất của 06 hộ dân tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành) đã để lại mặt bằng “như bãi chiến trường” với đầy rẫy những hố sâu hoắm, đứng thành, nham nhở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Khi trời mưa to, những hố sâu này cũng khó tránh khỏi việc biến thành ao, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho cả người và động vật khi di chuyển qua đây.

Không những thế, một số vị trí trong khi doanh nghiệp múc đất tận thu đã để lại nhiều thành, vách ngăn cách, chia nhỏ diện tích đất canh tác, nếu không được san gạt bằng phẳng sẽ hết sức khó khăn trong việc thực hiện làm nhà và trồng cây lâu năm của các hộ dân như phương án đã được chấp thuận. Đất từ vị trí khai thác một phần còn tràn cả xuống vườn và nhà ở của hộ dân sát cạnh, khiến họ gặp phải rắc rối nhất định trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong quá trình doanh nghiệp tận thu, công ty này cũng đã hứa sẽ làm cho người dân một đoạn đường để thuận tiện việc đi lại, thế nhưng đến khi thực hiện xong việc tận thu doanh nghiệp đã “im hơi lặng tiếng”. Việc hoàn trả mặt bằng qua loa còn khiến chính quyền xã Thành Trực vô cùng bức xúc và cương quyết khước từ đồng ý cho doanh nghiệp gia hạn khai thác tiếp theo.

Ông Đỗ Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành chia sẻ quan điểm không hài lòng với việc doanh nghiệp hoàn trả mặt bằng theo kiểu qua loa như vậy. Ông Long cho biết, địa phương sẽ đưa vấn đề này ra trước kỳ họp HĐND huyện Thạch Thành. Ông còn thẳng thắn khước từ việc ủng hộ doanh nghiệp xin gia hạn khai thác thêm. “Hôm nọ một số sở, ngành lên kiểm tra, xem xét lấy ý kiến về việc cho doanh nghiệp gia hạn tận thu, tôi đã ghi rõ trong văn bản là không đồng ý”, ông Long dứt khoát.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.

Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Hoàn trả mặt bằng khi tận thu đất tại Thanh Hóa: Liệu chính quyền đã làm hết trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới