Thiếu mặt bằng "sạch" để thu hút đầu tư khiến cho tỉnh Thanh Hóa...hụt hơi
Thiếu mặt bằng sạch là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉnh Thanh Hóa bị hụt hơi trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư. Giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD.
Theo báo cáo của văn phòng UBND, tỉnh Thanh Hóa đang gặp những khó khăn, vướng mắc khách quan và chủ quan như: Một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của nhà nước còn thiếu sự thống nhất, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.
Sau hơn hai năm chống dịch Covid-19, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lãi suất duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn để GPMB, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, thiếu các quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản và việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua, tác động đến kết quả thu ngân sách của tỉnh.
Công tác dự báo, nắm bắt tình hình, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa chủ động giải quyết, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phức tạp phát sinh ở ngành, địa phương, đơn vị.
Công tác phối hợp giải quyết công việc giữa một số sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công trong giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có việc còn lúng túng, chưa quyết liệt, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư; thiếu quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...
Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Báo cáo nêu rõ mục tiêu chung: Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 03 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Quản lý chặt chẽ tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để tìm giải pháp, trong các năm qua, lãnh đạo Thanh Hóa đã rất tâm huyết, cố gắng thực hiện nhiều chuyến làm việc, hội nghị xúc tiến đầu tư với các đoàn công tác, tổ chức nước ngoài lớn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan... trong đó, đáng chú ý đã phối hợp, tổ chức thành công sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa để thúc đẩy thu hút đầu tư.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ năm 2024, chỉ còn 02 năm để thực hiện mục tiêu đề ra tại nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị tập trung 03 chỉ tiêu: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Về kịch bản phát triển, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng 02 phương án: phương án 1 như báo cáo, phương án 2 là điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu để phù hợp, sát với tình hình đã thực hiện và dự báo.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, Thanh Hóa đã có một số lĩnh vực kinh tế - xã hội đạt được kết quả nổi bật trong năm 2023 như: Các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; trong lĩnh vực nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; các loại cây trồng chính được mùa, được giá, năng suất lúa cả năm ước đạt 61,5 tạ/ha, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,7% so với cùng kỳ; trong lĩnh vực công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,87%, có 15/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; trong lĩnh vực dịch vụ: Tổng lượng khách du lịch tăng 11,9%, tổng thu du lịch tăng 20,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 10,6%, vận chuyển hành khách tăng 31,0%, doanh thu vận tải tăng 23,2%; thu ngân sách nhà nước vượt 7,6% so với dự toán được giao.
Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực; tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; có thêm 07 Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; giáo dục đại trà, giáo dục mũi đạt kết quả tích cực, có 01 học sinh đạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2023...
Hoàng Đức