Thứ sáu, 22/11/2024 00:24 (GMT+7)
Thứ ba, 24/01/2023 16:50 (GMT+7)

Thanh Hóa: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 hồi đầu năm 2022, nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, có nhiều chỉ số nằm trong top đầu của cả nước.

Một năm đứng top nhiều lĩnh vực

Cụ thể trong năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch; giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021; đã tích tụ, tập trung được 7.334 ha, bằng 100,5% kế hoạch; chuyển đổi 3.130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, dự kiến có 02 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 07 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 4 ; có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31% và có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng cao, như: Quần áo may sẵn (tăng 29,9%), giày thể thao (tăng 22,5%), điện sản xuất (tăng 20,5%), bia các loại (tăng 19,4%).

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 172.209 tỷ đồng, bằng 118,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%; giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%.

Thanh Hóa: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” - Ảnh 1
Kinh tế Thanh Hóa năm 2022 có đếm 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung thực hiện; đã hỗ trợ 2.169 lao động tiền thuê nhà với kinh phí khoảng 3,2 tỷ đồng; giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 336 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch, với 6.086 đối tượng được vay vốn.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: "Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, tiếp thêm động lực để tỉnh ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025".

 “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”

HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết nghị các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2023 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11% trở lên (Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 3%, công nghiệp xây dưng tăng 14,2% trở lên, dịch vụ tăng 9,8% trở lên, thuế sản phẩm tăng 9,6% trở lên); cơ cấu các ngành kinh tế có sự cân đối phù hợp (nông, lâm, thủy sản chiếm 13,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 48,9%, dịch vụ chiếm 30%, thuế sản phẩm chiếm 6,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 3.200USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 50.600 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới từ 3000 doanh nghiệp trở lên…

Vui mừng, phấn khởi với những kết quả đã đạt được, tuy nhiên Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém cần sớm tập trung khắc phục. Đáng chú ý là: Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững; vẫn còn 02 chỉ tiêu là huy động vốn đầu tư phát triển và tổng giá trị xuất khẩu chưa đạt kế hoạch. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn bộc lộ những hạn chế. Một số khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong giao đất để triển khai các dự án sử dụng đất đã lựa chọn nhà đầu tư chưa được giải quyết. Văn hóa – xã hội có mặt chậm chuyển biến. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiểm ẩn nhân tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền một số đơn vị cấp sở, cấp huyện, cấp xã trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm, năng lực công tác và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu…

Thanh Hóa: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” - Ảnh 2
Ông Đỗ Trọng Hưng, UVTW Đảng, bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm và có chủ trương, giải pháp hiệu quả khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

"Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, năm có tính bản lề và có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra; tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen không ít khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn và nhiều hơn năm 2022. Tất cả các cấp ngành, địa phương cần phải “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” để đưa tỉnh ta tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, thống nhất cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh đưa ra", ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.