Thứ năm, 25/04/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/02/2023 05:00 (GMT+7)

Thanh Hóa: Quá nửa sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2023 còn có những hạn chế, khó khăn khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm đến 26,28%.

Thu ngân sách Nhà nước giảm mạnh trong tháng 1

Kết thúc năm tài khóa 2022, tỉnh Thanh Hóa đã cán mốc thu ngân sách nhà nước hơn 50.600 tỷ đồng, chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ mỗi năm. Nhóm này bao gồm các địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai và 3 địa phương mới gia nhập năm 2022 là Quảng Ninh, Hải Dương và Thanh Hóa.

Tuy nhiên, ngay tháng 1/2023, thu ngân sách Nhà nước giảm 48,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 26,28%; có 16/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh, như: đường kết tinh (giảm 61%), xi măng (giảm 31%), quần áo may sẵn (giảm 10,4%); trong lĩnh vực dịch vụ, giá trị xuất khẩu giảm 37,7%; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 23,4% so với cùng kỳ...

Thanh Hóa: Quá nửa sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 1/2023 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có sự đan xen của cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tình hình thế giới có nhiều bất ổn, thị trường, sức tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: may mặc, giày dép, xi măng... giảm; Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; địa bàn rộng, với tuyến đường biển, biên giới dài, địa hình phức tạp; số lượng người dân, công nhân trong và ngoài nước về quê hương trong dịp Tết lớn...

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh chỉ ra. Đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tham mưu giải quyết những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực, nhiệm vụ có tính trọng tâm, trọng điểm như nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách Nhà nước, giá vật liệu xây dựng.

Thanh Hóa: Quá nửa sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ - Ảnh 2
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các ngành, các địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai, khởi công các dự án trọng điểm trong năm. Tất cả các sở, ngành phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành mình trong năm 2023 rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ nội dung; đề ra các giải pháp thực hiện phải linh hoạt, hiệu quả. Tiếp tục nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong tháng 2, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ cùng đoàn công tác kiểm tra các sở, ngành có nhiều thủ tục làm việc trực tiếp người dân và doanh nghiệp.

Dự báo một năm khó khăn

HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết nghị các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2023 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11% trở lên (nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 3%, công nghiệp xây dựng tăng 14,2% trở lên, dịch vụ tăng 9,8% trở lên, thuế sản phẩm tăng 9,6% trở lên); cơ cấu các ngành kinh tế có sự cân đối phù hợp (nông, lâm, thủy sản chiếm 13,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 48,9%, dịch vụ chiếm 30%, thuế sản phẩm chiếm 6,7%); GRDP bình quân đầu người đạt 3.200USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 35.340 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới từ 3000 doanh nghiệp trở lên…

Thanh Hóa: Quá nửa sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ - Ảnh 3
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước từ mặt hàng dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là 22.000 tỷ đồng. Trong đó 16.000 tỷ đồng đến từ thuế giá trị gia tăng, 6000 tỷ còn lại từ thuế doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường.... Tuy nhiên, ngày 31.12.2022, NSRP đã gửi văn bản báo cáo Bộ Công thương về sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Sự cố này khiến phân xưởng RFCC phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục. Ngoài ra, phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa phân xưởng RFCC.

Đáng chú ý, theo Báo cáo về kế hoạch sản xuất năm 2023, lãnh đạo NSRP cho biết, năm 2023 nhà máy sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần đầu với tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày (bắt đầu từ 25/8). Do đó, kế hoạch công suất năm 2023 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa ra là chỉ đạt 79,6% công suất, tương ứng với khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến. Như vậy với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023.

Tín hiệu mừng với Thanh Hoá trong tháng 1/2023 đó là nhiều ngành, lĩnh vực đạt kết quả khá, một số chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,3%, vận chuyển chuyển hành khách tăng 93,8%, vận chuyển hàng hóa tăng 15,3%, doanh thu vận tải tăng 34,9%; tổng lượng khách du lịch gấp 2,2 lần, tổng thu du lịch gấp 2,7 lần.

Bên cạnh đó, trong tháng 1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã quyết định hỗ trợ 470,3 tấn gạo cho 3.704 hộ thiếu lương thực trong dịp Tết, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã giải quyết việc làm cho 4.330 lao động, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.532 lao động...

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Quá nửa sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.