Chủ nhật, 28/04/2024 00:30 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/07/2023 11:10 (GMT+7)

Thanh Hóa: Kiểm soát nguồn ô nhiễm tại khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và làng nghề

Theo dõi KTMT trên

Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã có nhiều khu, cụm công nghiệp và các làng nghề đi vào hoạt động. Việc kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường.

Cùng với Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có 08 khu công nghiệp (KCN) và hiện đã thu hút 492 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động. Thanh Hoá cũng đã có 04 chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng trạm xử lý nước thải gồm: Trạm xử lý nước thải công suất 1.300 m3/ngày đêm tại KCN Lễ Môn; Nam Khu A-KCN Bỉm Sơn, công suất 1.500m3/ngày đêm; Bắc Khu A-KCN Bỉm Sơn, công suất 6.000m3/ngày đêm; Khu B-KCN Bỉm Sơn, công suất 490m3/ngày đêm.

Đối với cụm công nghiệp (CCN), UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm 70 CCN. Trong quá trình rà soát, đánh giá đã quyết định điều chỉnh loại khỏi quy hoạch 06 CCN và bổ sung mới 27 CCN, mở rộng 01 CCN. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch phát triển 91 CCN. Trong phương án phát triển CCN tích hợp quy hoạch tỉnh đến năm 2030 sẽ phát triển số CCN toàn tỉnh lên 118 cụm với tổng diện tích là 5.369,69ha. Đây là cơ sở để quản lý, thành lập và đầu tư hạ tầng CCN, tạo mặt bằng thu hút sản xuất kinh doanh vào địa bàn các huyện và di rời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Thanh Hóa: Kiểm soát nguồn ô nhiễm tại khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và làng nghề - Ảnh 1
Kiểm soát nguồn ô nhiễm tại khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và làng nghề góp phần rất quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập được 44 CCN (có 12 CCN có doanh nghiệp hoạt động) với tổng diện tích 1.609,9ha; 30 CCN chưa được thành lập nhưng đã có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN; 18 CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chưa có dự án đầu tư thứ cấp hoạt động. Trong đó, có 05 CCN cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN theo giai đoạn và đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; CCN Thái Thắng, CCN Bắc Hoằng Hoá, CCN Vạn Hà, CCN Quán Lào đủ điều kiện cho nhà đầu tư thuê lại đất; Có 03 CCN hiện đang đầu tư và lắp đặt thiết bị máy móc về công trình xử lý nước thải.

Đối với làng nghề, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 175 làng nghề và làng nghề truyền thống (trong đó có 86 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận) hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Các cơ sở hộ gia đình tại làng nghề được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020.

Ngoài ra, các làng nghề được công nhận, đã có phương án về BVMT làng nghề được phê duyệt và thành lập Tổ tự quản về BVMT, rác thải được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý. Trong năm 2022, Thanh Hóa có 04 làng nghề được cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường để xây dựng công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống thu gom xử lý nước thải làng nghề, cải tạo đường giao thông với tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường cho mỗi làng nghề từ 7 đến trên 10 tỉ đồng.

Có thể nói, Thanh Hóa đang rất quyết tâm trong việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, đặc biệt là tại khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, qua đó nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Kiểm soát nguồn ô nhiễm tại khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới