Thanh Hóa: Khẩn trương giải tỏa ách tắc trên các tuyến đường
Ngày 3/10, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh sau ảnh hưởng của bảo Noru.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình nước dâng tại khu vực tràn Cư Dụ trên đường tỉnh 519B, chia cắt các xã: Luận Thành, Luận Khê, Tân Thành của huyện Thường Xuân; Tuyến đường tuần tra biên giới, đoạn từ xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đến xã Yên Khương, huyện Lang Chánh bị sạt khoảng 20 nghìn m3 đất đá xuống đường tại 6 vị trí.
Toàn tỉnh ngập đường tràn tại 23 vị trí, sạt taluy âm 3 vị trí với chiều dài 36 mét tại một số tuyến đường và 5 vị trí gây tắc đường trên tuyến tuần tra biên giới. Hiện nước đang rút dần, chính quyền các địa phương tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lớn để sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, đơn vị liên quan trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lưu ý, các địa phương không được phép chủ quan lơ là, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải phải kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể tình hình thiệt hại của các công trình giao thông, thống kê cụ thể khối lượng sạt lở để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi trọng điểm như hồ Yên Mỹ, hồ Sông Mực, có phương án xả lũ phù hợp với tình hình thời tiết.
Đặc biệt, phải cắt cử lực lượng ngăn không cho người dân đánh bắt cá, vớt củi tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục các điểm đê, đường giao thông bị sạt lở.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 3/10, tỉnh có 199 nhà dân bị ngập nước, 26 hộ phải sơ tán, 6 nhà bị sạt lở đất. Về nông nghiệp, tỉnh có 1.460 ha lúa, 726 ha ngô, rau màu, hoa màu và 211,7 ha mía, 887 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước. Mưa lớn làm sạt mái kênh dẫn hạ lưu phía sông dài 56 mét của cống Bồng Thôn tại K20+900 đê tả sông Mã, sạt lở mái đê phía đê tả sông Mã với chiều dài 60 mét đoạn qua xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.
Tính đến chiều 3/10, toàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 58 hộ dân cư sinh sống tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Hoàng Đức