Thanh Hóa: Huyện Nga Sơn dẫn đầu về sản phẩm OCOP
Sau 4 năm thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện Nga Sơn đã có 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt có những chủ thể có từ 4 đến 6 sản phẩm OCOP.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai, huyện Nga Sơn đã ban hành kế hoạch chương trình "mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Nga Sơn luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn chương trình OCOP cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trên địa bàn; tổ chức cho các chủ thể đăng ký đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị tư vấn Trung ương để lựa chọn ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình, trên cơ sở phát huy thế mạnh các nhóm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, Nga Sơn cũng đã lồng ghép các chương trình để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, chủ thể phát triển kinh tế, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP như: hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới 70 triệu đồng với quy mô 1000 m2; hỗ trợ mua máy dệt chiếu, máy xe lõi phát triển tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho các đơn vị sản xuất; hỗ trợ kinh phí làm nhãn mác, bao bì sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện…
Ngoài ra, huyện Nga Sơn còn phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa và một số đơn vị liên quan hỗ trợ mở 2 cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Chia sẻ với báo chí về cách làm của huyện, Ông Trịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết: “Ngay từ những ngày đầu triển khai, địa phương xác định rõ tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho các xã rà soát, nắm bắt các sản phẩm lợi thế. Huyện cũng chú trọng khuyến khích HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng các đơn vị đầu tư phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhất là sản phẩm chế biến từ nguyên liệu cói, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Nga Sơn đã từng bước khắc phục khó khăn, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các chủ thể sản xuất để xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm OCOP”.
Đến nay Nga Sơn đã có 26 sản phẩm OCOP, đứng đầu toàn tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt có những chủ thể có từ 4 đến 6 sản phẩm OCOP, như: Hộ kinh doanh Mai Thị Trang (6 sản phẩm); đáng chú ý là sự kết hợp giữa đông trùng hạ thảo với rượu truyền thống Nga Sơn tạo nên sản phẩm “Rượu đông trùng hạ thảo Đăng Khoa” và rượu truyền thống Nga Sơn với mật ong OCOP của các huyện tạo nên sản phẩm “Mật ong đông trùng hạ thảo Đăng Khoa”. Công ty TNHH Ngân Khương phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu cói như thảm cói trải sàn, chiếu dệt tay thủ công, chiếu xách tay Ngân Khương, hộp đựng đồ Ngân Khương…
Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" của huyện Nga Sơn đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2023, huyện Nga Sơn đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh; nâng hạng 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia.
Hoàng Đức