Thứ năm, 25/04/2024 22:28 (GMT+7)
Thứ hai, 06/03/2023 09:33 (GMT+7)

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác

Theo dõi KTMT trên

Bên cạnh bờ biển đẹp, nơi được người Pháp đặt biệt danh “Điểm nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”, Sầm Sơn còn sở hữu những thắng tích lịch sử nổi tiếng không kém như Đền Độc Cước, Đền cô Tiên, Đền thờ Đức Thánh Tô Hiến Thành, Khu lưu niệm Bác Hồ...

Từ “Mẹ Phủ Na - Cha Độc Cước”

Du khách đi lễ hội đầu năm ở Thanh Hoá thường quan tâm đến ba nơi “Cửa Đạt- Phủ Na- Sầm Sơn” hay còn gọi là lên rừng, xuống biển. Theo quan niệm của người dân, đặt chân đến đó là ý nguyện đã về được với Cha, với Mẹ - tức “mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”. 

Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải (cổ con rùa biển còn gọi chữ là hòn Miết Cảnh) thuộc dải núi Trường Lệ, TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa lấy chính tên gọi vị Thần được gọi ở đây làm tên gọi của ngôi đền. Thần Độc Cước là vị thần bán thân (một chân) với tên Thánh “Độc Cước Chân Nhân” hay “Sơn Tiêu Độc Cước”. Các triều đại Lê, Nguyễn đã sắc phong cho Thần là “Thượng Thượng Đẳng Thần” và được xếp trong nhóm các vị thần bất tử của Việt Nam. Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, sang đến thời nhà Lê được trùng tu lại nhiều lần. Đường lên đền là 45 bậc bằng đá, tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân, phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 1
Ngay từ đầu năm, TP.Sầm Sơn đã đón hơn 30.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023.

Trên đất nước ta, thần Độc Cước được thờ ở đền chùa suốt từ Quảng Ninh đến Nghệ Tĩnh, nhất là trên hải đảo và các vùng ven biển, ven sông, hoặc trên các trục đường quốc lộ giao thông chính ở Đồng bằng Bắc Bộ. Theo thống kê sơ bộ thì có khoảng trên 300 điểm thờ, nhưng đền Độc Cước ở Sầm Sơn chính là nơi xuất phát tín ngưỡng đầu tiên, và cũng là điểm thờ Độc Cước đầu tiên trong cả nước.

Theo quan niệm dân gian, thần Độc Cước là vị thần Thành hoàng đem sức mạnh và phép màu để bảo vệ cho nhân dân Sầm Sơn luôn được thuận buồm xuôi gió, quốc thái dân an. Nằm trong các hoạt động lễ tiết hằng năm như lễ mở cửa đền, cơm mới, lễ tạ, lễ sắp ấn, giao thừa... Đặc biệt là lễ cầu phúc được diễn ra vào ngày 16/2 Âm lịch hàng năm. Đồng thời là lễ hội mở đầu cho các hoạt động du lịch của TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Với những giá trị linh thiêng, ý nghĩa sâu sắc của đền Độc Cước, ngày 27/4/1962 đền Độc Cước đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Ngày 31/12/2019, đền Độc Cước thuộc khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Trường Lệ - TP.Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đến các thắng tích lịch sử

Thái úy Tô Hiến Thành, sinh ngày 22 tháng Giêng năm Đinh Hợi. Ông là nhà chính trị tài năng, văn võ song toàn, một vị quan thanh liêm, công minh, chính trực nổi tiếng thời Lý, có công chống giặc ngoại xâm, củng cố triều đình, xây dựng nhà nước vững mạnh. Với các vai trò là Nhập nội kiểm hiệu, Thái phó, Thái úy, rồi làm Quyền nhiếp chính sự. Vai trò nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 2
Các em học sinh dâng hương tại đền Tô Hiến Thành.

Công trạng của Thái úy Tô Hiến Thành đã được các đời vua Trần, vua Lê, Triều Nguyễn sắc phong Ngài là Hộ quốc tỷ dân. Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn tương truyền đã có trên 800 năm, được bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990.

Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Thái Úy Tô Hiến Thành, cán bộ, nhân dân Sầm Sơn và du khách thập phương tổ chức lễ dâng hương tri ân công lao to lớn của ngài; cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Men theo con đường nhỏ quanh co ven sườn núi, du khách có thể tìm thấy giữa rừng thông cao xanh đầy thơ mộng một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Sầm Sơn được tạo hóa ưu ái ban tặng. Hòn Trống Mái với cái thế đứng chênh vênh, ấy vậy mà trải qua phong ba, bão táp vẫn sừng sững giữa đất trời và gió biển. Nơi đây còn lưu giữ câu chuyện cảm động về mối tình thuỷ chung son sắt của cặp vợ chồng trẻ sau đại nạn đại hồng thuỷ được thần tiên hoá thành đôi chim đá để ngày ngày quấn quýt bên nhau trên núi cao. Tạo hóa đã ban tặng cho Sầm Sơn một thắng cảnh được lưu truyền từ ngàn đời nay, một trong những điểm đến văn hoá tâm linh hấp dẫn.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 3
Hòn Trống Mái chính là sự xếp đặt từ ba khối đá thiên nhiên đã có từ bao đời nay.

Nằm cuối dãy Trường Lệ, trên đỉnh hòn Đầu Voi, bên kia là Vụng Ngọc, bên này Vụng Tiên, đền Cô Tiên tựa mình vào vách đá tạo nên một bức tranh nên thơ, hữu tình. Ngôi đền này được xây dựng từ thời Trần, ban đầu chỉ là gian miếu nhỏ, đến thời Hậu Lê mới chính thức được xây dựng hoàn chỉnh theo kiến trúc chuôi vồ. Nơi đây gắn với nhiều truyền thuyết huyền thoại hấp dẫn mạng đậm chất nhân văn và nổi tiếng linh thiêng.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 4
Phó Bí thư tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh cùng lãnh đạo TP.Sầm Sơn dâng hương tại đền Cô Tiên.

Năm 1960, Bác Hồ về thăm Sầm Sơn đã nghỉ chân tại đền Cô Tiên. Năm 1962, đền Cô Tiên được Bộ văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia. Đền Cô Tiên với khuôn viên thanh tĩnh, cảnh vật thơ mộng giúp du khách có cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng khi đến đây vãn cảnh, đi lễ.

Và lời căn dặn của Người

Tháng 7-1960, miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, Hồ Chủ tịch đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội, Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Hiểu được ý Bác, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, bố trí nơi Bác đến tắm được gần dân, xa bãi tắm của du khách nghỉ hè. Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển...

Tại đây, Bác chọn chùa Cô Tiên, nằm trên dãy núi Trường Lệ làm nơi ở và làm việc. Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn (từ ngày 17-19/7/1960), Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc.

Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP.Sầm Sơn)... Cả buổi sáng kéo lưới với bà con ngư dân nơi đây đã giúp Bác được nghe bao điều sự thật từ dân. Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), đồng chí Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa xuống Sầm Sơn gặp Bác... Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ. Có ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 5
Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng người dân Sầm Sơn không thể nào quên hình ảnh giản dị của Người khi về thăm hỏi, kéo lưới và lắng nghe những câu chuyện của người dân Sầm Sơn.

Những mẩu ký ức được ghi chép, hồi tưởng, nghe kể lại trong các bài viết của nhà văn Sơn Tùng – người giành trọn cả cuộc đời để viết về Bác đã phần nào khắc họa được nhân cách cao đẹp của Người. 60 năm đã trôi qua nhưng đất và người thành phố biển vẫn khắc ghi trong tim mình hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc ân cần, gần gũi hỏi han cuộc sống, thuần thục kéo từng mẻ lưới cùng bà con ngư dân.

Trong thời gian ở Sầm Sơn, nhận định về tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bác đã nói với cán bộ và Nhân dân:

“Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”.

Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác - Ảnh 6
Tuy Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng vĩ đại của Người vẫn đồng hành cùng cán bộ và nhân dân TP. Sầm Sơn nới riêng và Thanh Hóa nói chung.

Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP.Sầm Sơn trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thân thiện, xứng đáng là một trong 4 vùng kinh tế động lực của tỉnh, hướng đến các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị, Sầm Sơn đang phấn đấu sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến thực sự hấp dẫn, thân thiện, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh xây dựng "Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu"...

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Có một phố biển Sầm Sơn rất khác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.