Thứ hai, 25/11/2024 15:15 (GMT+7)
Thứ năm, 02/06/2022 14:02 (GMT+7)

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân?

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, dư luận ở Thanh Hóa đang dấy lên nghi ngờ liên quan đến việc doanh nghiệp lợi dụng Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lòng hồ Bến Quân, xã Hà Long, huyện Hà Trung, để tận thu khoáng sản. Vậy thực hư sự việc này như thế nào?

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân? - Ảnh 1
Hồ Bến Quân, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gắn với sự kiện lịch sử vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, đi qua địa bàn xã Hà Long đã dừng chân tại nơi đây để chỉnh đốn binh mã. Hồ Bến Quân thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa danh thắng Hà Long (gồm đền Đức Tôn, đền Rồng, đền Nước và hồ Bến Quân) đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 1993.

Cho tận thu làm vật liệu san lấp, doanh nghiệp bán làm nguyên liệu sản xuất gạch?

Theo tìm hiểu của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân  được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương tại Công văn số 5469/UBND-THKH ngày 05/5/2020. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình này được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - UBND huyện Hà Trung  thẩm định tại Công văn số 83/NN&PTNTTĐ ngày 26/9/2020 và  được UBND huyện Hà Trung phê duyệt tại Quyết định số 4465/QĐ-UBND, ngày 30/9/2020.

Theo Quyết định số 4465/QĐ-UBND của UBND huyện Hà Trung, tổng mức đầu tư của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân là hơn 837 triệu đồng. UBND xã Hà Long được giao làm chủ đầu tư Dự án.

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân? - Ảnh 2
Trong văn bản số 8091/UBND-CN ngày 10/6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ cho phép Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ngọc Dung được tận thu bùn, đất thải làm liệu san lấp.

Để triển khai Dự án, ngày 9/11/2020, UBND xã Hà Long đã ký Hợp đồng số 09/2020/HĐ-XD với Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ngọc Dung (gọi tắt là Công ty Ngọc Dung), có địa chỉ tại: Đường 7, Chợ Đền, xã Hà Long, huyện Hà Trung, do bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1976, làm Giám đốc. Theo hợp đồng này, giá trị thi công Dự án giảm xuống còn hơn 717 triệu đồng?!.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 9/11/2020, Công ty Ngọc Dung đã có Công văn số 02/CV-ND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa; trong đó Công ty Ngọc Dung đề nghị tận thu khối lượng bùn, đất thải trong quá trình thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân để làm vật liệu san lấp. Mục đích của việc tận thu bùn, đất thải trong quá trình nạo vét làm vật liệu san lấp là nhằm tránh lãng phí tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sau nhiều lần chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan rà soát các quy định hiện hành để tham mưu đề xuất, ngày 10/6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 8091/UBND-CN về việc cho phép Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ngọc Dung được tận thu bùn, đất thải trong quá trình thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân; văn bản do ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký. Trong văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ cho phép Công ty Ngọc Dung tận thu bùn, đất thải để làm vật liệu san lấp.

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân? - Ảnh 3
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan xem xét, đề xuất giải quyết đề nghị của Công ty Ngọc Dung sau khi UBND tỉnh nhận được Công văn số 02/CV-ND ngày 09/11/2020 của công ty này.

Nhưng lạ lùng là các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tận thu bùn, đất thải trong quá trình nạo vét lòng hồ Bến Quân của Công ty Ngọc Dung đều hướng đến “đích” là làm nguyên vật liệu sản xuất gạch tuynel?!.

Trong Công văn số 02/CV-ND, ngày 09/11/2020, Công ty Ngọc Dung đề xuất tận thu bùn, đất thải làm vật liệu san lấp.

Nhưng trước đó 1 tháng, ngày 10/10/2020, Công ty Ngọc Dung đã có Hợp đồng nguyên tắc số 04/2020/HĐNT với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lam Sơn (địa chỉ tại Khu phố 9, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) để cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch.

Theo hợp đồng này, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lam Sơn “đồng ý mua toàn bộ khối lượng bùn thải trong quá trình thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân tại xã Hà Long, huyện Hà Trung của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ngọc Dung làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel phục vụ cho nhà máy”.

Làm theo hướng dẫn của Sở?

Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Ngọc Dung. Bà Ngọc cho biết, ban đầu, doanh nghiệp cũng đề xuất tận thu bùn, đất thải trong quá trình thi công nạo vét lòng hồ Bến Quân để làm vật liệu san lấp.

Nhưng sau đó, qua xem xét, tham vấn ý kiến của nhiều người, Công ty nhận thấy lượng bùn, đất thải có thể làm nguyên vật liệu sản xuất gạch nên Công ty đề xuất “chuyển mục đích sử dụng” lượng bùn, đất thải này.

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân? - Ảnh 4
Trước khi có Công văn số 02/CV-ND ngày 09/11/2020 đề xuất UBND Thanh Hóa cho phép tận thu bùn, đất thải trong quá trình nạo vét lòng hồ Bến Quân thì ngày 10/10/2020, Công ty Ngọc Dung đã ký Hợp đồng nguyên tắc, cam kết bán toàn bộ lượng bùn, đất thải này cho Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Lam Sơn làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel?!.

Khi được hỏi vì sao ngày 09/11/2020, sau khi ký hợp đồng thi công Dự án với UBND xã Hà Long, Công ty ngay lập tức có Công văn số 02/CV-ND đề xuất tận thu bùn, đất thải làm nguyên vật liệu san lấp; nhưng trước đó, ngày 10/10/2020, Công ty đã có Hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lam Sơn để bán toàn bộ bùn, đất thải tận thu được để Công ty Lam Sơn làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel; thì bà Ngọc giải thích không được rõ ràng.

Theo bà Ngọc, đó là để “hợp thức hóa” hồ sơ. Bởi để tiến hành thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân, tận thu bùn, đất thải thì Công ty Ngọc Dung phải chứng minh được với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương về “đầu ra” của lượng bùn, đất thải này (nghĩa là phải chứng minh được lượng bùn, thải này sẽ đi về đâu, sử dụng làm gì - Pv). Bà Ngọc còn cho biết thêm, bà làm theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

“Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ. Em có thể hỏi Sở xem thế nào mà như vậy”, bà Ngọc nói.

Khối lượng bùn, đất thải đã được tính toán chính xác hay chưa?

Một vấn đề cũng cần được các ngành chức năng xác minh, làm rõ là xác định chính xác khối lượng bùn, đất thải sẽ được tận thu trong quá trình thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân. Theo các tài liệu liên quan đến dự án này thì cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và Sở TN&MT tỉnh Thanh hóa xác định khối lượng bùn, đất thải tận thu là 32,5 nghìn m3.

Tuy nhiên, trong văn bản số 7453/SXD-VLXD ngày 27/11/2020 về việc tham gia ý kiến cho Công ty Ngọc Dung tận thu bùn, đất thải trong quá trình thi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích hồ Bến Quân, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Khu vực tôn tạo diện tích 3,5 ha là một phần lòng hồ Bến Quân, xã Hà Long, huyện Hà Trung; tại thời điểm kiểm tra không có hoạt động thi công, hiện trạng có một phần là gò đất cao hơn mặt nước khoảng 1,0 m, phần còn lại đang ngập nước nên chưa quan sát được khoáng sản sẽ tận thu trong quá trình nạo vét”.

Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân? - Ảnh 5
Văn bản của Sở Xây dựng nhận định, hiện trạng lòng hồ Bến Quân có một phần là gò đất cao hơn mặt nước khoảng 1,0 m, phần còn lại đang ngập nước nên chưa quan sát được khoáng sản sẽ tận thu trong quá trình nạo vét.

Như vậy, chiếu theo nhận định của Sở Xây dựng, liệu rằng khối lượng bùn, đất thải có dừng lại ở con số 32,5 nghìn m3 hay là cao hơn? Đây là vấn đề cần được đánh giá lại một cách kỹ lưỡng bởi liên quan đến việc lập phương án thi công, hồ sơ môi trường và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi doanh nghiệp triển khai dự án.

Nhưng lạ là, trong văn bản số 8574/STNMT-TNKS ngày 10/12/2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả tham vấn các Sở, ngành, địa phương về đề nghị tận thu bùn, đất thải của Công ty Ngọc Dung, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa lại báo cáo chưa đầy đủ ý kiến của Sở Xây dựng tỉnh.

Cụ thể, trong văn bản số 8574/STNMT-TNKS, Sở TN&MT không nêu nhận định “hiện trạng có một phần là gò đất cao hơn mặt nước khoảng 1,0 m, phần còn lại đang ngập nước nên chưa quan sát được khoáng sản sẽ tận thu trong quá trình nạo vét” của Sở Xây dựng.

Văn bản của Sở TN&MT chỉ nêu: “Việc thu hồi khoáng sản nói trên phù hợp với các quy  định của pháp luật và nâng cao hiệu qủa kinh tế  tránh  lãng phí tài nguyên; vì vậy  Sở Xây dựng thống nhất chủ trương thu hồi khối  lượng   bùn thải nêu trên. Tuy nhiên  đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu đơn vị phải làm rõ khối lượng bùn, đất thải nêu trên có hay không bảo đảm chất lượng làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel và đất san lấp, làm cơ sở để lập phương án thi công, hồ sơ môi trường và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi doanh nghiệp triển khai dự án”.

Với những “mập mờ” như đã nêu trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ. Việc tận thu khoáng sản để tránh lãng phí tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế là hết sức cần thiết; tuy nhiên cần bảo đảm tính công khai, minh bạch; tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa “tận thu” để trục lợi.

Mới đây (ngày 1/6/2022), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị về công tác cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN&MT được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động làm Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Sơn; ông Mai Nhữ Thắng, Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Sơn nđược bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá.

Tại hội nghị này, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đánh giá, Sở TN&MT là Sở đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước rất rộng và quan trọng của nền kinh tế của nhà nước, của tỉnh. Do đó, người đứng đầu Sở này “phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành chức năng, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Tập trung xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành TN&MT thật sự trong sạch, vững mạnh”.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Bộ TN&MT, việc quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản nói chung, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ trường hợp khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản) phải đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là loại khoáng sản rất phổ biến và dễ khai thác ở mọi quy mô từ hộ gia đình đến doanh nghiệp lớn, công nghệ khai thác khá đơn giản và ít ảnh hưởng tới môi trường nếu quy định thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục như các loại khoáng sản khác là chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn dẫn đến khai thác trái phép, làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.

Còn theo các chuyên gia, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Đối với các quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và áp dụng trong thực tế áp dụng còn một số tồn tại như sau:

- Công tác điều tra, thăm dò, phê duyệt trữ lượng cũng như công tác cấp phép hoạt động khoáng sản ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lách luật gây thất thu ngân sách nhà nước, sử dụng không hợp lý, lãng phí tài nguyên khoáng sản,…

- Một số tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản không đúng theo quy trình quy phạm, thiết kế mỏ đã được phê duyệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

- Một số địa phương còn hiện tượng chia nhỏ mỏ để cấp, cùng một khu vực nhưng cấp nhiều Giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường các tổ chức khác nhau, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong hoạt động khai thác khoáng sản, không đủ điều kiện để đầu tư quy mô lớn và áp dụng các công nghệ khai thác tiến tiến, gia tăng tác động xấu đến môi trường, cảnh quan,...

Tùng Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Có bất thường trong việc tận thu khoáng sản ở Dự án tu bổ di tích Hồ Bến Quân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới