Thứ sáu, 03/05/2024 02:34 (GMT+7)
Thứ năm, 07/09/2023 09:40 (GMT+7)

Thanh Hóa: Cảng Nghi Sơn sớm trở thành cảng biển trọng điểm của cả nước

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây hệ thống cảng biển Nghi Sơn được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng, thu hút các doanh nghiệp logistics bằng những dịch vụ, hạ tầng hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để thúc đẩy sự phát triển của cảng biển Nghi Sơn, trong thời gian qua, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút các DN, nhà đầu tư thực hiện thủ tục XNK hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2022-2026; trong đó, chính sách này thực hiện hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường mới. Đặc biệt, để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng Nghi Sơn, ngày 13/7/2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND (NQ 248) về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn.

Thanh Hóa: Cảng Nghi Sơn sớm trở thành cảng biển trọng điểm của cả nước - Ảnh 1
Hiện tại hệ thống cảng biển Nghi Sơn đã có 21 bến được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động.

Chính sách từ NQ 248 đã tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.

Cục Hải quan cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại cảng biển Nghi Sơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan thông qua triển khai hiệu quả hệ thống VNACCS/VCIS; vận hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bảo đảm 100% doanh nghiệp đã tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức khai báo điện tử, góp phần giảm thời gian thông quan, chi phí của doanh nghiệp; kết nối giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, đại lý làm thủ tục hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics … gặp gỡ, nắm bắt cơ hội kinh doanh qua địa bàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn.

Trung ương yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phát huy hết nội lực bằng việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng, hệ thống giao thông, máy móc, thiết bị, luồng lạch, dịch vụ..., bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ tốt nhất cho các tàu, phương tiện ra vào cảng và hoạt động xếp dỡ hàng hóa của các doanh nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển logistics trong khu kinh tế Nghi Sơn và khu vực.

Xây dựng những cầu nối liên kết chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp để bảo đảm quy trình xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan, thuế. Đẩy mạnh quảng bá cảng Nghi Sơn trên các kênh thông tin về cảng biển quốc tế.

Các hãng tàu và các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại cảng Nghi Sơn phát huy nội lực, nghiên cứu có chiến lược giảm giá thành các loại phí dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả khai thác các tuyến vận chuyển và dịch vụ hiện có; hướng tới tăng tần suất các chuyến và mở thêm các tuyến vận chuyển mới; từ đó đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, tạo tính cạnh tranh cho cảng Nghi Sơn; thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu, xuất nhập khẩu qua cảng.

Hiện nay, hệ thống cảng được quy hoạch 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Tính đến tháng 7-2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại đây, các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics... cũng đã được quy hoạch chi tiết và đang trong tiến trình đầu tư đồng bộ.

Cảng Nghi Sơn đã thu hút được các hãng tàu và doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua cảng với tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng hơn 41 triệu tấn/năm (năm 2020 là 41,8 triệu tấn; năm 2021 là 43,03 triệu tấn; năm 2022 là 41,31 triệu tấn), chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh).

Con số thu ngân sách nhờ thuế xuất nhập khẩu qua cảng trong những năm gần cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 22,8 triệu tấn.

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (IA), là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, có 109 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện thủ tục hải quan qua cảng Nghi Sơn. Trong những tháng đầu năm 2023, có 17 doanh nghiệp mới đăng ký làm thủ tục hải quan qua cảng. Ngoài doanh nghiệp có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 doanh nghiệp ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Bình Định, Ninh Bình... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ xuất nhập khẩu về cảng Nghi Sơn.

Hoàng Đức - Lê Hoa

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Cảng Nghi Sơn sớm trở thành cảng biển trọng điểm của cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.