Thân thế của "ông bầu" vừa có cú "bắt tay" với CLB Hoàng Anh Gia Lai
Doanh nhân Nguyễn Đức Thụy là một người đại gia nổi tiếng với niềm đam mê bóng đá mãnh liệt, ông thường được người hâm mộ gọi với cái “bầu” Thuỵ.
Xuất thân trong gia đình khá giả
Bầu Thuỵ sinh năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông Thuỵ là con trai thứ hai của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành, người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình.
Nói về Tập đoàn Xuân Thành, doanh nghiệp này tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh, thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của tập đoàn này khi Hợp tác xã Bình Minh được nâng cấp thành Xí nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành.
Trong những năm đầu của thế kỷ 21, xí nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và chính thức được thành lập với tên gọi Tập đoàn kinh tế Xuân Thành từ tháng 7/2009.
Năm 2007, bầu Thuỵ được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xuân Thành, đến tháng 5/2015, dưới sự lãnh đạo của bầu thuỵ, Tập đoàn Xuân Thành chính thức đổi tên thành tập đoàn ThaiGroup với vốn điều lệ 2500 tỷ và có tổng cộng 14 công ty thành viên. Hiện tại, Tập đoàn ThaiGroup đang đầu tư phát triển vào rất nhiều lĩnh vực như: xi măng, khách sạn, thủy điện.
Tên tuổi của bầu Thụy cũng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thông qua hàng loạt thương vụ đình đám như: chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu hơn một nửa khu "đất vàng" Khách sạn Kim Liên (đường Đào Duy Anh, Hà Nội); cuộc "đảo vai mẹ - con" giữa Thaiholdings và Thaigroup;...
Trong thời gian còn nắm quyền tại Thaiholdings và Thaigroup, các doanh nghiệp của bầu Thuỵ đã triển khai một số dự án đình đám như khu phức hợp nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc, Khu đô thị Xuân Thành Land - Hưng Yên, Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam)…
Lấn sang mảng tài chính – ngân hàng
Năm 2021 đánh dấu thời điểm bầu Thụy lấn sân sang mảng ngân hàng, khi ông mua vào số lượng lớn cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, MCK: LPB), tương đương khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng này.
Cũng từ đây, có thể thấy sự chuyên tâm của bầu Thuỵ đối với mảng ngân hàng, khi ông dần rút khỏi các doanh nghiệp từng gắn liền với tên tuổi của mình, nâng cao sở hữu tại LienVietPostBank và trở thành Chủ tịch HĐQT của nhà băng này vào cuối năm ngoái. Hiện, bầu Thuỵ đang sở hữu hơn 61 triệu cổ phiếu LPB, tương đương với 2,41% tỷ lệ sở hữu.
Từ ngày đến với LienVietPostBank, với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, bầu Thuỵ đã đưa ngân hàng có những bước phát triển mạnh mẽ.
Trong năm 2022, kết quả kinh doanh của LienVietPostBank tăng trưởng so với năm trước nhờ tăng thu cả nguồn thu chính lẫn thu từ dịch vụ. Thu nhập lãi thuần đạt gần 11.900 tỷ đồng và thu từ dịch vụ gần 1.662 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 94%.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi gần 343 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ gần 1,2 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi hơn 201 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ thu được gần 34 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 79%, thu được 8.863 tỷ đồng. Dù trong năm LienVietPostBank dành ra gần 3.174 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp 2,4 lần năm 2021 nhưng Ngân hàng vẫn thu được gần 5.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế hơn 4.510 tỷ đồng, tăng 57%.
Ngày 12/5/2023, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đổi tên viết tắt tiếng Anh thành LPBank. Việc đổi sang tên viết tắt mới được đánh giá là nắm bắt đúng xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay, tên viết tắt rút gọn nhất, dễ đọc, dễ nhớ.
Báo cáo kinh doanh gần nhất của LPBank cho biết, trong quý III, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý trước, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 đạt 1.233 tỷ đồng). Luỹ kế trong ba quý đầu năm lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,45% kế hoạch cả năm.
Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của LPBank đạt hơn 365,450 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12% lên hơn 263.621 tỷ đồng, huy động vốn đạt gần 274.580 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2022.
Giấc mơ bóng đá dang dở
Chiều 2/11/2023, LPBank đã ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Cùng thời điểm, phía HAGL Group đã công bố đổi tên Học viện và CLB thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và CLB Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.
HAGL là CLB bóng đá có bề dày lịch sử với nhiều năm thi đấu chuyên nghiệp tại V.League, được thành lập từ năm 2001. Học viện bóng đá HAGL ra đời năm 2007, được xem là cái nôi của rất nhiều lớp cầu thủ tài năng, cũng là tấm huyết của bầu Đức.
Theo thỏa thuận hợp tác, LPBank sẽ hỗ trợ nguồn lực tài chính ổn định cho Học viện và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ông Hồ Nam Tiến - Tổng Giám đốc LPBank, tin tưởng thương hiệu mới LPBank - HAGL sẽ tiếp tục là nơi đào tạo thành công nhiều nhân tài, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đại diện LPBank cũng cam kết đồng hành cùng Học viện trong hành trình ươm mầm những tài năng bóng đá trẻ.
Việc LPBank bắt tay với HAGL Group làm bóng đá, có thể thấy bầu Thuỵ vẫn muốn theo đuổi niềm đam mê với môn thể thao vua này.
Hơn 10 năm trước, bầu Thụy từng mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát, và đổi tên đội này thành Sài Gòn Xuân Thành. Bầu Thụy khi đó thể hiện sự chịu chơi khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để chiêu mộ hàng loạt ngôi sao vào thời điểm ấy, nhưng không đạt được mấy thành công.
Bầu Thụy từng chia sẻ với báo chí: “Bóng đá phức tạp quá, tôi không phù với môi trường như thế này” và ông nhường ghế Chủ tịch CLB cho em ruột là Nguyễn Xuân Thủy. Tuy nhiên, chưa hết mùa giải 2013 thì Xuân Thành Sài Gòn đã giải tán.
Bên cạnh đó, Nguyễn Đức Thụy cũng được coi là ông bầu cho một CLB bóng đá khác tại giải hạng nhất là CLB Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam. Trước khi về với TP.HCM, cái tên Xuân Thành đã có một khoảng thời gian gắn tạm với CLB Quảng Nam, sau đó được chuyển giao lại cho thương hiệu Bảo hiểm Thái Sơn - Một CTY thành viên của tập đoàn mẹ Xuân Thành.
Thú chơi siêu xe và lâu đài của bầu Thuỵ
Ngoài niềm đam mê với bóng đá, bầu Thuỵ là người nổi tiếng và tâm huyết trong giới chơi xe với việc sở hữu cho mình nhiều xe sang khủng như chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên và độc nhất của tỉnh Ninh Bình, 3 chiếc Rolls-Royce Ghost và 1 chiếc Maybach 62s và các loại xe sang khác như Mercedes S-Class, Range Rover, BMW 7-Series, Lexus Ls600hl, X5 4.8, Lx570,...
Cuối tháng 3/2012, bầu Thuỵ đã tậu bộ đôi xe siêu sang Maybach 62S thứ 2 và chiếc Rolls-Royce Phantom Rồng, trị giá khoảng 1,4 triệu USD/xe, tương đương gần 60 tỷ đồng.
Những người quen biết với bầu Thuỵ cho biết, chiếc Lexus 350.000 USD ông bầu chỉ để đi chợ, chiếc Maybach 62s (gần 500.000 USD) hay Range Rover biển 3 số 8 nằm nhà đắp chiếu.
Ngoài siêu xe, bầu Thuỵ và Tập đoàn Xuân Thành còn xây nhiều lâu đài nguy nga tráng bậc nhất Việt Nam. Riêng tại khuôn viên khu đô thị Xuân Thành (TP.Ninh Bình), gia đình bầu Thụy đã xây dựng 5 tòa lâu đài, biệt thự. Những lâu đài, biệt thự này được đại gia đình ông Thụy dùng làm nơi ở và văn phòng các công ty con trong Tập đoàn Xuân Thành.
Trong số 5 lâu đài này, lâu đài của ông Xuân Thủy là lâu đài đầu tiên được xây dựng tại đây. Các bức phù điêu được chạm khắc công phu và có một bức tượng Chúa Cứu thế khổng lồ trên nóc, bên cạnh là bể bơi rộng hàng nghìn m2.
Bên cạnh tòa lâu đài đồ sộ này còn có một tòa lâu đài uy nghiêm khác, được cho là tòa lâu đài lớn nhất khu đô thị này. Tổng chi phí ước tính xây dựng lâu đài là 3.000 tỷ đồng. Việc xây dựng công trình đòi hỏi phải sử dụng cẩu tháp – thường chỉ được sử dụng khi thi công nhà cao tầng. Khuôn viên rộng lớn và hồ nước tạo nên tổng thể đồ sộ nhưng bề thế của lâu đài.
Hiện trong số 5 lâu đài, biệt thự của gia đình ông Thủy, mới chỉ có 1 căn được hoàn thiện, còn lại chưa hoàn thiện. Đường vào những toà lâu đài trên luôn có ít nhất 2 bảo vệ túc trực.
H.A