Thứ bảy, 04/05/2024 11:38 (GMT+7)
Thứ hai, 08/04/2024 18:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: Phát triển ngành chè theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Tăng cao sản lượng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ.

Diện tích chè an toàn, chè hữu cơ còn thấp

Hiện nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ thành công tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một trong những thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước và trên toàn thế giới, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên (NN&PTNT) cung cấp, toàn tỉnh đã xây dựng được các vùng sản xuất chè với tổng diện tích đạt gần 22,5 nghìn ha, mỗi năm cho sản lượng chè búp tươi khoảng 267,5 nghìn tấn, tương đương với 53,5 nghìn tấn sản phẩm trà.

Thái Nguyên: Phát triển ngành chè theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững - Ảnh 1
Hiện nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ thành công tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong thời gian vừa qua Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT cùng với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh, có thể khẳng định ngành chè Thái Nguyên luôn sẵn sàng tham gia xuất khẩu và đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của các nước nhập khẩu.

Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè, trong đó 25 mã vùng trồng (tổng diện tích 193,372 ha) đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng chè đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thuộc EU.

Diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hữu cơ; VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh:  5.148 ha (trong đó: Chứng nhận VietGAP 5.068 ha, hữu cơ 80 ha), chiếm gần 23 % diện tích chè của tỉnh.

Tăng cường hợp tác liên kết sản xuất

Thái Nguyên có 4 vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài và Khe Cốc, được mệnh danh là “Tứ đại danh trà”. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, 163 HTX, 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao.

Trước vấn đề đặt ra, là giải pháp nào để vùng chè nổi tiếng đáp ứng đủ nguyên liệu chè búp tươi cho việc chế biến mà không phải nhập từ các vùng chè khác.

Thái Nguyên: Phát triển ngành chè theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững - Ảnh 2
Tăng cường hợp đồng, hợp tác liên kết sản xuất với các hộ trồng chè trong tỉnh để mở rộng và chủ động về vùng nguyên liệu chè đáp ứng cho chế biến.

Phía Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong nhiều năm gần đây các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè bằng các giống chè mới cho năng suất chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời áp dụng kỹ thuật thâm canh sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hữu cơ,… nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, khuyến khích người làm chè tham gia hợp tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người làm chè do vậy trên thị trường của tỉnh hiện nay không có hiện tượng thiếu nguyên liệu cho chế biến, không có hiện tượng tranh mua, tranh bán nguyên liệu chè búp tươi.

Tuy nhiên, để tránh xảy ra các hiện tượng này thì các cơ sở chế biến, kinh doanh chè, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã cần xây dựng chiến lược kinh doanh, trong đó tăng cường hợp đồng, hợp tác liên kết sản xuất với các hộ trồng chè trong tỉnh để mở rộng và chủ động về vùng nguyên liệu chè đáp ứng cho chế biến.

Sử dụng sản phẩm sinh học góp phần bảo vệ môi trường

Về định hướng phát triển Vùng chè hữu cơ trong thời gian tới. Giải pháp ngăn chặn sự lây lan của việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật đến các vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ đã được công nhận.

Giải pháp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà của tỉnh góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt trên 6.200 ha (trong đó diện tích chè hữu cơ 230 ha), đến năm 2030 đạt 13.000 ha (trong đó diện tích chè hữu cơ đạt 500 ha).

Hiện nay diện tích sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017, TCVN 11041-5:2017 và TCVN 11041-6:2018.

Thái Nguyên: Phát triển ngành chè theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững - Ảnh 3
Tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hữu cơ,… nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất chè hữu cơ bắt buộc phải ngăn chặn, hạn chế ô nhiễm, chất cấm từ bên ngoài vào khu vực sản xuất hữu cơ bằng cách khoanh vùng sản xuất, thiết lập vùng đệm để tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ và phải thực hiện kiểm soát ô nhiễm trong cả quá trình sản xuất.

Do đó, để ngăn chặn hạn chế ô nhiễm, chất cấm từ bên ngoài vào các vùng sản xuất chè đã được chứng nhận hữu cơ thì cùng với việc thực hiện các quy định của các các cơ sở sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để quản lý các vùng chè hữu cơ của tỉnh.

Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nhất là những sản phẩm trà trong vùng chè hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân góp phần phát triển ngành chè Thái Nguyên theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Theo các nhà khoa học, giá trị từ chè mang lại chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của “đất chè” Thái Nguyên. Có nhiều nguyên nhân như: nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất chè; liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã; sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ còn thấp… đang là rào cản cho sự phát triển xứng tầm của ngành Chè tỉnh Thái Nguyên. Điều đó đòi hỏi, cần những giải pháp đồng bộ, thực tế hơn nữa từ các cơ quan chuyên môn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; 9 nhãn hiệu tập thể, gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Trại Cài”, “Chè Đại Từ”, “Chè Phổ Yên”, “PD Phú Đạt GREEN TEA”, “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Phát triển ngành chè theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới