Thái Lan: Người dân không hài lòng về xử lý khủng hoảng bụi mịn
Phần lớn người dân Thái Lan cho rằng các cơ quan Chính phủ xử lý không hiệu quả tình trạng khói mù bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) bao trùm nhiều khu vực của thủ đô.
Bụi mịn bao phủ thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 8/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, kết quả thăm dò dư luận do Viện quản lý phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện công bố ngày 19/1 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan cho rằng các cơ quan chính phủ xử lý không hiệu quả tình trạng khói mù bụi mịn bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) bao trùm nhiều khu vực của thủ đô trong thời gian qua.
Cuộc thăm dò được thực hiện đối với 1.256 cư dân Bangkok thuộc những thành phần có trình độ giáo dục và nghề nghiệp khác nhau từ ngày 15-16/1 vừa qua để thu thập ý kiến của họ đánh giá hiệu quả xử lý vấn đề PM2.5 của các cơ quan nhà nước xử lý.
Theo đó, có 81,06% số người trả lời đánh giá rằng các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này không hiệu quả.
Trong số đó, 40,84% nói rằng những cơ quan nhà nước không xử lý hiệu quả là vì họ thiếu các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề như áp đặt kiểm soát nghiêm khắc đối với các công trình xây dựng, phương tiện xả khói đen hoặc những thủ phạm gây ô nhiễm khác, trong khi 36,22% cho rằng các cơ quan chính phủ hoàn toàn không hiệu quả trong từng bộ phận.
Khi được hỏi bản thân họ đã làm gì để giúp giảm bớt bụi, 30,57% trả lời họ dùng phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân; 24,20% nói họ phun nước xung quanh nhà; 23,09% ngừng đốt rác, lá cây và các vật liệu khác; 21,66% không làm gì; 16,96% tắt động cơ bất cứ khi nào dừng xe; 8,20% hạn chế thắp hương; 7,48% đưa xe hơi đi sửa để giảm khói đen; 2,23% ngừng tất cả các hình thức xây dựng; và 3,50% sử dụng xe máy hoặc đi bộ thay vì dùng ô tô hoặc chuyển từ xe chạy diesel sang xe dùng xăng sinh học như E20.
Sương mù PM2.5 đã trở lại bao trùm nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok của Thái Lan trong những ngày qua. Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã đặt các quan chức y tế vào tình trạng báo động cao, sau khi mật độ PM2.5 tại nhiều khu vực trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Cục Kiểm soát Ô nhiễm (PCD) khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời, đồng thời theo dõi chặt chẽ những thông báo về chất lượng không khí.
Tại thủ đô Bangkok, giao thông là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu, chiếm tới 72,5% lượng bụi trong thành phố, sau đó là các nhà máy (17%). Trong số này, xe tải được cho là những thủ phạm gây ô nhiễm lớn nhất.
Tính đến tháng 8/2019, Bangkok có 10,5 triệu xe ô tô đăng ký với Cục Đường bộ, trong khi còn rất nhiều người lái xe từ tỉnh nơi họ sinh sống tới thành phố làm việc.
Nhà chức trách Thái Lan đã áp dụng biện pháp chống khói bụi ở Bangkok, theo đó cấm các phương tiện xả “khói bẩn” lưu thông trên đường phố.
Cảnh sát và thanh tra Cục Giao thông đường bộ được lệnh phối hợp tăng cường kiểm tra nồng độ khí thải của phương tiện cơ giới và có quyền cấm lưu thông nếu phát hiện phương tiện xả thải vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là xả ra bụi mịn PM2.5. Phương tiện cơ giới sẽ chỉ được tham gia giao thông nếu được sửa chữa hoặc thay thế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng các kỹ sư Thái Lan Suchatvee Suwansawat kiến nghị chính phủ nên phát triển một ứng dụng để cảnh báo người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm PM2.5 và nhắc họ đeo khẩu trang ở những địa điểm đó để giảm bớt nguy cơ đối với sức khỏe.
Theo ông Suchatvee, trong kỷ nguyên công nghệ số, khi mà trung bình mỗi người dân Thái Lan sở hữu đến 2 điện thoại di động, đã đến lúc chính phủ thúc đẩy công nghệ vì lợi ích của công chúng. Việc xác định những khu vực có nguy cơ sẽ là một khởi đầu tốt.
Về biện pháp lâu dài để xử lý vấn đề, ông Suchatvee cho rằng chính phủ nên giảm thuế để khuyến khích các nhà máy giảm gây ô nhiễm tại những địa điểm sản xuất, đồng thời đánh thuế cao hơn đối với những xe cũ xả khói đen.
Ngọc Quang