Thái Bình: Sức hút đất nền tái định cư huyện Hưng Hà đang đà 'hot' nhất
Với tiềm năng lớn, quỹ đất còn rộng, bất động sản Thái Bình là một trong số những bất động sản hiếm hoi từ đầu năm 2020 đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, sức hút của đất nền tái định cư Hưng Hà đang ở thời điểm “hot” nhất.
Hưng Hà (Thái Bình) - điểm hẹn đầu năm 2022 cho nhà đầu tư
Tỉnh Thái Bình sở hữu lợi thế khi nằm trong vùng kinh tế ven biển kết nối 6 tỉnh duyên hải Bắc Bộ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng đi qua Thái Bình đến Thanh Hóa. Theo đó, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, kết nối xuyên suốt, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế tỉnh và giao thương thuận lợi.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 cây cầu nối Thái Bình với các địa phương khác trong khu vực. Từ Thái Bình, dễ dàng kết nối với nhiều địa phương khác qua các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 10, Quốc lộ 39, đường 217, Quốc lộ 37, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh…
Bên cạnh đó, việc được quy hoạch trở thành khu kinh tế phát triển đa ngành đã giúp Thái Bình tăng khả năng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản phải kể đến sự góp mặt của những ông lớn như Vingroup, FLC, Geleximco…
Hơn nữa, giữa tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần ở Thái Bình.
Phạm vi, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 195,01ha tại xã Tiến Đức (Hưng Hà) gồm: Diện tích các Khu vực bảo vệ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (33,53ha theo Hồ sơ xếp hạng di tích), trong đó khu vực bảo vệ I có diện tích là 7,92ha và khu vực bảo vệ II có diện tích là 25,61ha; diện tích 84,94ha đề xuất bổ sung vào quy hoạch tiếp giáp khu vực bảo vệ II của di tích là 84,94ha. Tại xã Hồng Minh: Diện tích khu khảo cổ thời Trần là 76,54ha, gồm: Diện tích khu di chỉ khảo cổ đã phát lộ (Hành cung Lỗ Giang), diện tích dự kiến tiếp tục khai quật và diện tích đất mở rộng về phía Tây và phía Nam giáp sông Trà Lý.
Mục tiêu lập quy hoạch là nghiên cứu, bổ sung, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần và hệ thống các di chỉ, khu vực khảo cổ có liên quan trên địa bàn huyện Hưng Hà. Như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, hàng loạt các khu tái định cư được triển khai sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản huyện Hưng Hà nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung thêm phần sôi động.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng, lúc này là thời điểm vàng để đầu tư vào khu vực Hưng Hà, Thái Bình, khi giá trị bất động sản tại đây đang khá thấp so với tiềm năng phát triển của địa phương và so với giá trị bất động sản các địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…
Giới chuyên gia cũng dự báo, giá bất động sản Thái Bình nói chung và tại các khu vực trọng điểm phát triển như Hưng Hà nói riêng hoàn toàn có thể đột phá và thiết lập mặt bằng giá mới trong năm 2022.
Giá đất nền tái định cư Hưng Hà đang tăng cao
Với tiềm năng lớn, quỹ đất còn rộng, nên dù diễn biến dịch bùng phát, bất động sản Thái Bình là một trong số những bất động sản hiếm hoi từ đầu năm 2020 đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, sức hút của đất nền tái định cư Hưng Hà đang ở thời điểm “hot” nhất.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, chỉ riêng tại khu tái định cư cầu Thái Hà, hiện giá đất nền đã tăng lên “chóng mặt”, với việc chênh cao từ 2 - 3 giá tại một lô đất so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, trung bình giá đang ở 8 - 9 triệu đồng/m2. Còn tại các vị trí đẹp, lô góc với mặt tiền từ 7 - 12 m, giá trung bình vào khoảng 9 - 12 triệu đồng/m2.
Theo một số môi giới, có những lô đất được đấu giá lúc đầu chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2 nhưng đều qua ít nhất 3 - 5 lần sang tay, tức là giá đã sang giai đoạn F3 - F5 và chênh khá nhiều so với giá đấu thực tế.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn Minh, một nhà đầu tư tại Thái Bình cho hay, hồi đầu năm, anh dự định mua một lô đất có diện tích gần 150m2 nằm tại khu tái định cư cầu Thái Hà. Thời điểm đó, lô đất này được định giá là 9 triệu đồng/m2, tương đương với khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì một vài lý do lo lắng dịch bệnh, nên anh đã không thể thống nhất được giao dịch.
Gần 2 tháng sau, khi quay lại với mong muốn có thể tìm kiếm một lô đất khác có cùng diện tích và tương đương về vị trí với lô đất cũ, anh Minh quá bất ngờ khi giá đất đã tăng phi mã. Một lô đất có diện tích, vị trí tương đương với lô đất anh định mua trước đó nhưng giá đã lên tới 1,8 tỷ đồng.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trên nhiều trang rao bán bất động sản, đất nền khu tái định cư tại xã Tiến Đức được rao bán từ 800 - 900 triệu đồng/lô đất/90 m2. Tuy nhiên, sau khi liên hệ với người bán, mức giá được đưa ra đều tăng đáng kể, vào khoảng 1 - 1,2 tỷ/đồng. Theo chia sẻ của người bán, mức giá đưa ra thấp hơn thực tế nhằm tăng lượng quan tâm từ người mua. Thực tế là người mua khó tìm được mảnh đất nền, đất phân lô tại khu vực này với giá dưới 1 tỷ đồng.
Theo anh Hoàng Tất Thái, sàn môi giới Hưng Hà: “Thời điểm giá đất Hưng Hà dưới 1 tỷ đồng, vào khoảng 600 - 700 triệu đồng/lô 90 m2 là thời điểm đấu giá ban đầu. Sau nhiều lần sang tay, giá đất chênh lệch là tất yếu. Hơn nữa, một số xã tại Hưng Hà sau khi có quy hoạch các khu tái định cư, nhà đầu tư khắp nơi đều tìm về đón đầu quy hoạch và bỏ thầu giá đấu theo quy định của địa phương và sẵn sàng sang tay ngay sau khi đấu giá khiến giá đất nền luôn “nóng bỏng tay”.
Theo anh Thái, khu vực Hưng Hà sẽ còn nhiều khả năng tăng giá bởi đất nền luôn là tài sản tích luỹ phù hợp với nhiều nhà đầu tư và giá đất khu vực này so với nhiều địa phương vẫn còn "khá mềm". Cùng với những quy hoạch mới, hạ tầng và cơ sở vật chất đồng bộ, bất động sản khu vực này vẫn có sức hấp dẫn cao trong tương lai, nhất là trong bối cảnh quỹ đất tại các thành phố lớn ngày càng ít và đắt đỏ.
PV