“Sốt” đất nền ở các địa phương có đang tái diễn?
Giá đất cũng tăng lên một cách bất thường do thời điểm này khá nhiều các nhà đầu tư đang tràn về vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh thành lân cận để săn đất nền.
“Rục rịch” lên giá đất nền
Ngay từ sáng sớm ngày thứ 2 (6/12), Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội ở huyện Hoài Đức, rất nhiều người tập trung để làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng đất. Ngoài các chủ đất, người mua thì một lượng lớn môi giới cũng có mặt.
Một người vừa mua một lô đất dịch vụ ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là anh T đang thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ. Lượng người đến làm thủ tục đông nên dù đến sớm nhưng anh Thiện vẫn phải chờ rất lâu.
Anh T cho biết: “Cuối tháng 10 xuống Vân Canh giá đất chỉ có 65 triệu đồng/m2, sau một tháng đã lên 6 giá, tôi mua lô đất này với giá 71 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục một số môi giới ở đây đã trả đến 80 triệu đồng/m2. Đất khu vực này giờ tăng chóng mặt”.
Một nhà đầu tư đất nền tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là chị V cũng phải thảng thốt vì tốc độ lên giá chóng mặt của đất thổ cư tại đây.
Chị V đánh giá: Giá đất khu vực trong làng đường ô tô đã lên đến 35 triệu đồng/m2, trước đây 3 tháng giá gì 2 -24 triệu đồng/m2. Giá tăng bất chấp dịch bệnh và có vẻ như đang là tăng ảo”.
Các phiên đấu giá đất ở Hà Nội gần đây luôn trong tình trạng "sốt nóng". Mới đây, 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được hàng trăm nhà đầu tư chú ý mặc dù mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Có lô mức giá khởi điểm là 182,3 triệu đồng/m2 và mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm.
Ở Bắc Giang, các phiên đấu giá đất được tổ chức liên tiếp, nhà đầu tư từ các nơi ùn ùn đổ về. Các phiên "chợ đất" được diễn ra sôi động, chênh lệch cả trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Bộ Xây dựng cho biết, giá đất khu vực vùng ven thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP.Thủ Đức, H.Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai... cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở thị trường
Những đợt bùng phát dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía nam khi cả nguồn cung và lượng giao dịch đều giảm mạnh, bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, nguồn cung bất động sản giảm, trong khi 2 năm qua, sản xuất kinh doanh gặp khó, nguồn tiền đầu tư được người dân lựa chọn đổ vào đất đai. Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư lần đầu thang gia). Ngoài ra, lãi suất ngân hàng xuống thấp đã không còn là kênh hấp dẫn.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, do sự khan hiếm nguồn cung ở vùng trung tâm, các nhà đầu ngày càng có xu hướng tìm đến vùng ven nhiều hơn, khiến cho thị trường đất nền ở những khu vực ven đô ngày càng sôi động và đây là xu thế tất yếu của thị trường.
Trước đó, thị trường đất nền ven đô đã có hàng loạt tin đồn quy hoạch khiến giá đất đã neo ở mức rất cao. Các khu vực “truyền thống” ở phía Tây như Hoài Đức, Đan Phượng hay Thạch Thất đã tăng cao, kém hấp dẫn, thì giới đầu tư tìm đến các thị trường có giá đất rẻ hơn, và chuẩn bị có quy hoạch mới.
Ông Đính nhận định: “Tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra những giá trị về hạ tầng, về đời sống và về dịch vụ cho những vùng được kết nối và đầu tư đến đâu thì giá trị tăng đến đó. Tăng giá bất động sản giai đoạn bắt đầu mới công bố kế hoạch, quy hoạch là đúng quy luật nhưng tăng ở mức độ 5-7% thì là hợp lý còn nếu tăng quá nhiều thì là bất bình thường. Bất động sản sẽ tăng theo hạ tầng nhưng đó phải là đầu tư thật, tăng ở mức 20-30% trong thời gian ngắn là tăng ảo”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đầu tư phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm. Giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. Trong khi chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa nghĩ ra cách gì để khắc phục tình trạng tiêu cực này.
GS. Đặng Hùng Võ đánh giá: “Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động”.
Bùi Hằng