Thái Bình: Sẽ xử lý các phương tiện 'đổ hàng' vào bến bãi VLXD không phép trên sông Trà Lý
Cơ quan chức năng, trong đó có công an sẽ tiến hành kiểm tra xử lý các hành vi sai phạm liên quan đến việc các phương tiện tàu thuyền đổ hàng vào các bến VLXD không phép trên sông Trà Lý, đặc biệt là đoạn chảy qua xã Tân Phong huyện Vũ Thư.
Từ việc bến bãi VLXD của ông Trần Đình Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư) không phép, nằm ngoài quy hoạch bến thủy nội địa nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép suốt một thời gian dài nhưng chưa bị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, xử lý dứt điểm khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Liên quan đến sự việc trên, mới đây Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Đức Cường – Giám đốc Cảng vụ đường thủy Nội địa Khu vực II.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Cường cho biết, theo quy định tại nghị định 08/2021/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký bán hành ngày 28/01/2021 Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, theo Điều 100, Luật Giao thông Đường thủy Nội địa thì trách nhiệm quản lý hoạt động của các bến thủy không phép, đã hết hạn cấp phép thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Hiện nay Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản gửi các sở giao thông vận tải các tỉnh thành trên cả nước yêu cầu các sở giao thông vận tải báo cáo UBND cấp tỉnh, TP cùng cấp nhằm xử lý triệt để các bến thủy nội địa không phép, hết hạn vẫn đang hoạt động trên địa bàn.
Cảng vụ đường thủy hiện chỉ có trách nhiệm quản lý đối với các bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động chứ không có trách nhiệm quản lý các bến thủy nội địa chưa được cấp phép, đã hết hạn. Tuy nhiên cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy tiến hành kiểm tra, xử lý các bến bãi không phép.
Căn cứ vào các quy định trên, theo ông Cường thì trách nhiệm kiểm tra xử lý bến bãi VLXD không phép của gia đình ông Trần Đình Ba thuộc quyền hạn xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, ông Cường cho biết sẽ chỉ đạo Đại diện Cảng vụ Đường thủy Nội địa tại Thái Bình phối hợp với lực lượng Cảng sát Giao thông đường thủy Công an tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
Trong khi đó, theo đồng chí Đỗ Ngọc Dũng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Đường sắt đường bộ (Công an tỉnh Thái Bình), sông Trà Lý đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài hơn 70 km nhưng hiện đội Cảnh sát Giao thông đường thủy chỉ có 5 người. Do nhân lực có hạn, nên có nhiều vấn đề đội chưa thể giám sát kiểm tra, xử lý hết các trường hợp vi phạm ngay được.
Ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết sẽ chỉ đạo Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy phối hợp với Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II tại Thái Bình tiến hành kiểm tra, xử lý trường hợp bến bãi VLXD không phép nằm ngoài quy hoạch của gia đình ông Trần Đình Ba theo phản ánh của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường trong thời gian tới.
Trong khi đó theo Trung tá Đoàn Văn Khánh – Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy (Công an tỉnh Thái Bình) cho biết, bến bãi VLXD không phép của gia đình ông Ba đã từng bị xử phạt nhiều lần. Các phương tiện cố tình cập bến bãi VLXD của gia đình ông Ba để bốc dỡ hàng hóa là cố tình vi phạm pháp luật, gây mất an toàn giao thông đường thủy. Hiện nay lực lượng công an tỉnh giao cho Công an xã Tân Phong có trách nhiệm giám sát, quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện thấy các tàu cố tình cập bến bốc dỡ hàng hóa thì lực lượng công an xã có trách nhiệm giám sát hiện trường, báo cáo đơn vị có thẩm quyền tiến hành kiểm tra xử lý các hành vi sai phạm.
Trước đó, vào ngày 6/9, ông Hà Tiến Thăng – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký văn bản số 3087/UBND-NNTNMT về việc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình liên quan đến bến bãi VLXD không phép, không nằm trong quy hoạch tại thôn Mễ Sơn 1 xã Tân Phong, huyện Vũ Thư.
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu UBND huyện Vũ Thư làm rõ các nội dung phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc bến bãi vật liệu xây dựng hoạt động không phép, không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong đồng thời có văn bản trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường trước ngày 25/9/2023.
UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu UBND huyện Vũ Thư khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3233/UBND-NNTNMT ngày 08/9/2022; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 23/9/2023.
Cũng theo nội dung văn bản số 3087, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành đơn vị có liên quan đôn đốc hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3233/UBND-NNTNMT ngày 08/9/2022.
Tuy nhiên, được biết, đến thời điểm hiện nay (12/10) dù đã quá hẹn trả lời nhiều ngày nhưng cả UBND tỉnh Thái Bình và Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo về kết quả kiểm tra, xử lý bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, không nằm trong quy hoạch trên địa bàn thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong từ phía UBND huyện Vũ Thư.
Những kết quả sinh động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều địa phương khác trong cả nước là minh chứng cụ thể cho sự cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tiếp tục đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung lên tầm cao mới, qua đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".
Vậy, với việc "quá hạn" phản hồi theo văn bản của UBND tỉnh Thái Bình 12 ngày thì trách nhiệm của người đứng đầu huyện Vũ Thư ở đâu?
Quay trở lại câu chuyện "quá hạn" của UBND huyện Vũ Thư liên quan đến việc xử lý bến bãi VLXD không phép, không nằm trong quy hoạch tại thôn Mễ Sơn 1 xã Tân Phong, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài viết được đăng tải.
Liên quan đến việc xử lý các hành vi sai phạm của hộ gia đình có bến bãi VLXD không phép, không nằm trong quy hoạch này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản số 1363 và văn bản số 1730 vào các ngày 07/06/2022 và 07/07/2022 đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường đối với việc bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ gia đình ông Ba.
Đồng thời, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường và pháp luật khác có liên quan theo đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đề nghị UBND huyện Vũ Thư khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong giải quyết dứt điểm vụ việc và gửi kết quả giải quyết về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình trước ngày 31/7/2022.
Sau đó, ngày 12/8/2022 UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn số: 470/ VP-NNTNMT gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; UBND huyện Vũ Thư.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Vũ Thư kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm đối với bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đồng thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện sai phạm), báo cáo UBND tỉnh Thái Bình kết quả thực hiện trước ngày 30/8/2022.
Tuy nhiên, đến nay dù chưa được cấp phép nhưng bến bãi VLXD của ông Trần Đình Ba vẫn ngang nhiên hoạt động suốt một thời gian dài mà chưa bị các cơ quan chức năng huyện Vũ Thư kiểm tra xử lý kịp thời khiến dư luận bức xúc, nghi ngại.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.
“Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.
Cũng liên quan đến câu chuyện về thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia về Kinh tế Môi trường đánh giá cao việc luật đã đưa thêm các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, trong đó có việc sử dụng đất không đúng mục đích.
Cụ thể, Theo Điều 81 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích; Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Việt Phương - Huy Bình