Thứ sáu, 28/06/2024 03:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/06/2024 07:07 (GMT+7)

Mô hình trồng nấm sạch ở Thái Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Theo dõi KTMT trên

Ông Nguyễn Đức Đỉnh ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư (Thái Bình) biết đến nghề trồng nấm từ năm 1997. Trải qua bao thăng trầm với cây nấm, ngày nay gia đình ông đã xây dựng được nông trại trồng nấm rộng 2.500m2, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình ông Đỉnh từng là hộ nghèo ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư. Nguồn thu nhập của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào lúa, ngô nhưng chẳng đáng là bao. Năm 1997, một người bạn quê ở Đắk Lắk đã giới thiệu ông tìm hiểu về cây nấm. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây nấm, ông Đỉnh quyết định vào Đắk Lắk, học kỹ thuật trồng nấm sò trên giá thể mùn cưa cao su ở Trường Đại học Tây Nguyên.

Đến năm 1999, sau khi đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm, ông Đỉnh trở về quê hương Thái Bình, khởi nghiệp trồng nấm với số vốn 300 triệu đồng vay mượn của người thân, bạn bè, Ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương. Thế nhưng, vì môi trường sống ở ngoài Bắc khác với Tây Nguyên, cây nấm cho năng suất rất thấp khiến gia đình ông bị thua lỗ nhiều.

Không lùi bước trước khó khăn, ông Đỉnh một lần nữa vượt hơn 1.000km trở lại Tây Nguyên để học hỏi thêm kinh nghiệm và cách trồng nấm phù hợp với thời tiết miền Bắc. Đến năm 2017, ông quay về quê hương, quyết tâm gây dựng lại từ đầu với mô hình trồng nấm sạch. Lần này, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó có tiền vay mượn từ người thân, bạn bè và Ngân hàng chính sách xã hội.

Mô hình trồng nấm sạch ở Thái Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1
Công nhân đang phân loại và đóng gói nấm sau thu hoạch ở mô hình trồng nấm sò của ông Nguyễn Đức Đỉnh.

Hai năm đầu, việc khôi phục sản xuất nấm của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nấm, chi phí sản xuất nấm tăng cao. Thị trường tiêu thụ nấm chưa ổn định nên chưa đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Ông Đỉnh cùng vợ vẫn nỗ lực phát triển mô hình trồng nấm. Với kỹ thuật và kinh nghiệm đã tích lũy qua nhiều năm, gia đình ông nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất.

Hiện nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng nấm lên hơn 2.500m2. Từ phương pháp thủ công ban đầu, ông Đỉnh đã đầu tư xây dựng nhà trại khép kín và thiết bị hiện đại để trồng nấm sò. Ông lắp đặt hệ thống tưới tiêu thông minh, hệ thống mái thông gió, làm mát, kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió tự động. Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ông Đỉnh còn đầu tư thêm nhiều máy móc tiên tiến khác như: Lò hấp khử trùng, máy đóng gói, máy xay, máy phá bịch, máy sàng mùn cưa.

Ông Đỉnh đầu tư hệ thống giàn phun sương tự động hết gần 100 triệu đồng. Thay vì phải có 20 - 25 nhân công chăm sóc cây nấm như trước đây thì với hệ thống tưới nước phun sương chỉ cần 5 - 7 người. Thời gian tưới cũng rút ngắn từ 2 tiếng đồng hồ xuống còn 3 - 5 phút, lượng nước tưới đều và hiệu quả hơn. Đặc biệt, ông Đỉnh còn có thể điều khiển hệ thống tưới nước thông qua điện thoại thông minh mà không cần phải ra tận nơi.

Mô hình trồng nấm sạch ở Thái Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2
Một khu vực trồng nấm của gia đình ông Đỉnh.

Ông Đỉnh chia sẻ về nghề trồng nấm: Đây không phải là nghề thực sự khó nhưng đòi hỏi người lao động phải chăm chỉ, tỉ mỉ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu cho đến khâu chăm sóc cây nấm. Mùn cưa cao su trồng nấm được từ các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai về vì chứa nhiều chất dinh dưỡng và phù hợp cho cây nấm phát triển. Mùn cưa được trộn với vôi bột theo tỷ lệ 6,5 - 7 độ PH và nước, bảo đảm độ ẩm từ 60 - 65%. Sau đó đóng mùn cưa vào bịch nilon, cho vào lò hấp để khử khuẩn trước khi đưa cá thể nấm vào trồng.

Nhờ tuân thủ khắt khe trong quá trình sản xuất, cây nấm của gia đình ông phát triển rất tốt, không sâu bệnh. Mỗi năm, mô hình trồng nấm của gia đình ông Đỉnh cho sản lượng khoảng 30 tấn nấm thành phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở trong tỉnh và 1 số tỉnh khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai.

Mô hình trồng nấm sạch ở Thái Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3
Nấm sò đang được gia đình ông Đỉnh trồng.

Nấm sò cho năng suất cao, được bán ra thị trường với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mô hình trồng nấm của gia đình ông thu về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, còn tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 người lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ông cũng hỗ trợ cho những hộ dân có nhu cầu khởi nghiệp từ nghề trồng nấm.

Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao - Nguồn: Đài PTTH Vũ Thư

Mô hình trồng nấm của gia đình ông Đỉnh được địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: "Hiện nay, mô hình trồng nấm của gia đình ông Đỉnh không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa mà còn là "điểm sáng" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương".

Trong thời gian tới, gia đình ông Đỉnh sẽ tiếp tục phát triển mô hình, đầu tư trồng thêm các loại nấm. Ông Đỉnh bày tỏ mong muốn hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ở địa phương để cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương Thái Bình.

Hải Long

Bạn đang đọc bài viết Mô hình trồng nấm sạch ở Thái Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới