Thứ bảy, 23/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ tư, 02/03/2022 18:00 (GMT+7)

Test nhanh Covid-19 không chính xác?

Theo dõi KTMT trên

Đặc điểm của test nhanh chính là độ nhạy nhưng đôi khi độ nhạy "không tốt lắm" dẫn đến tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả.

Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), F0 tăng nhanh những ngày gần đây khiến người dân rơi vào trạng thái lo lắng quá và quá lạm dụng kit test xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh.

Đặc điểm của test nhanh chính là độ nhạy nhưng đôi khi độ nhạy "không tốt lắm" dẫn đến tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả. Thực tế, nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng như ho, sốt, đau người… nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính.

“Những trường hợp âm tính giả như vậy không hề thấp”, BS Phúc nói.
Trường hợp dương tính giả xảy ra do một số nguyên nhân gây nhiễu như khi ai đó uống rượu, ăn hoa quả lên men…

BS Phúc chia sẻ, những người mắc COVID thường có tâm lý lo sợ không biết bệnh đã giảm chưa, nên họ làm test nhiều lần trong ngày. Họ nghĩ rằng, nếu vạch đậm lên có nghĩa là bệnh đang nặng, ngược lại, vạch mờ là bệnh nhẹ hơn.

Test nhanh Covid-19 không chính xác? - Ảnh 1
Không nên Test nhiều lần trong ngày. (Ảnh minh họa)

“Đây là tư duy hoàn toàn sai vì việc lấy mẫu xét nghiệm có thể đúng hoặc sai kỹ thuật. Nếu lấy sai kỹ thuật có thể nhận kết quả âm tính giả. Vì vậy chỉ khi nào làm PCR người ta tính lượng virus thông qua chỉ số CT của PCR mới chính xác”, BS Phúc nói.

BS Trần Văn Phúc chia sẻ, với tốc độ lây nhiễm bệnh hiện nay có thể nhận định biến thể chủ đạo là Omicron. Với biến thể này, trên 95% các triệu chứng lâm sàng gần như không có và nếu có sẽ rất nhẹ. Như vậy, về cơ bản, bệnh nhân COVID-19 thường bệnh rất nhẹ, rất ít khi có những trường hợp nặng. Do đó, chúng ta không cần thiết phải lạm dụng quá về các vấn đề xét nghiệm.

Theo BS Phúc, người dân không nên làm test nhanh mang tính chất thường xuyên. Việc xét nghiệm hàng ngày để xem xem vạch mờ hay đậm, hay lôi cả nhà ra test là sự lãng phí không cần thiết.

Theo Trung tâm hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để tránh lãng phí, tránh đầu cơ, đẩy giá bán, người dân sử dụng test nhanh trong các trường hợp sau đây:

Đối với người xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm Covid-19: sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp…

Đối với người được xác định là F0: Xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 sau thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày. Người bệnh có thể tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định; và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định. Tại thời điểm này có thể xét nghiệm bằng test nhanh.

Bộ Y tế đề nghị người dân lưu ý khi mua và sử dụng các sản phẩm test nhanh lưu hành trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng: thuộc danh mục sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định, và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Test nhanh Covid-19 không chính xác?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới