Moderna bắt đầu thử nghiệm vaccine chống Omicron trên người
Hôm 26/1 vừa qua, hãng dược phẩm Moderna thông báo bắt đầu thử nghiệm trên người một phiên bản vaccine tăng cường, được phát triển riêng để chống lại biến chủng Omicron.
Có 600 người trưởng thành tham gia cuộc thử nghiệm, chia đều cho hai nhóm. Trong đó, nhóm đầu tiên tiêm hai mũi vaccine Moderna ít nhất 6 tháng trước, nhóm còn lại đã tiêm hai mũi vaccine cùng một mũi tăng cường được cấp phép. Hai nhóm tình nguyện viên sẽ nhận được một liều vaccine đặc hiệu cho Omicron, có mã là mRNA-1273.529.
Cùng với đó, hãng dược phẩm Mỹ cũng thông báo kết quả về hiệu quả chống lại biến biến chủng Omicron của mũi tiêm tăng cường. Theo đó, 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại, mức độ kháng thể trung hòa chống biến chủng mới này giảm 6 lần so với mức đỉnh điểm đạt được 29 ngày sau tiêm, nhưng vẫn còn tồn tại ở tất cả những người đã tiêm.
"Chúng tôi yên tâm bởi vẫn tồn tại kháng thể chống biến chủng Omicron sau 6 tháng tiêm mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, trước mối đe dọa lâu dài khi Omicron có khả năng né miễn dịch, chúng tôi đang cải tiến các phiên bản vaccine đặc biệt để chống lại biến chủng này. Chúng tôi rất vui khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai", giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cho biết.
Ông Bancel cho hay, những người nhận được mũi tăng cường Moderna vào mùa thu năm ngoái có thể có đủ kháng thể để chống chọi đợt dịch mùa đông này. Tuy nhiên, ông khuyến cáo mọi người có thể cần tiêm mũi thứ tư vào mùa thu năm 2022 vì các mũi vaccine tăng cường có thể sẽ suy giảm, như trường hợp của hai mũi vaccine cơ bản.
Tuyên bố của Moderna được đưa ra một ngày ngay sau khi Pfizer bắt đầu thông báo đăng ký thử nghiệm lâm sàng loại vaccine đặc hiệu cho biến chủng Omicron. Pfizer-BioNTech cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm vaccine đặc hiệu Omicron trên người vào đầu tuần này, thu hút 1.420 người tham gia từ 18-55 tuổi, đồng thời dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine mới vào tháng 3.
Pfizer-BioNTech và Moderna đều phát triển vaccine dựa trên công nghệ mRNA, cho phép cập nhật tương đối dễ dàng vaccine để bắt kịp với tốc độ đột biến nhanh của những biến chủng mới.
Ba nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tiến hành cho thấy mũi vaccine tăng cường của Pfizer và Moderna là “chìa khóa” để chống lại biến chủng Omicron.
Nhiều quốc gia đã bắt đầu tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai, nhưng một nghiên cứu gần đây từ Israel cho thấy mũi vaccine Covid-19 thứ tư dù có giúp làm tăng mức kháng thể cao hơn so với mũi tiêm thứ ba nhưng chưa đủ để bảo vệ trước biến chủng Omicron.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm Israel Gili Regev-Yochay cho biết số lượng kháng thể do mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư tạo ra dù cao hơn mũi thứ ba song vẫn không hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến chủng Omicron. Kết quả trên được thu thập sau một cuộc thử nghiệm tiêm mũi vaccine thứ tư cho các nhân viên y tế tại bệnh viện Sheba ở Israel.
Với biến chủng Omicron được các nhà khoa học cảnh báo có hàng chục đột biến, nhiều đột biến nằm trên protein đột biến mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào người. Các loại vaccine cơ bản được thiết kế để nhắm vào sự gia tăng đột biến của chủng virus được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, khi phiên bản đột biến của virus ngày càng phức tạp dần, các kháng thể do vaccine tạo ra sẽ trở nên khó khăn hơn để chống lại chúng.
Omicron đã lây lan nhanh hơn bất kỳ biến chủng nào trước đây, gây ra làn sóng lây nhiễm chưa từng có, gây áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Mặc dù không gây triệu chứng nặng và tử vong như chủng Delta, Omicron vẫn là một mối nguy của toàn thế giới.
Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong hai tháng kể từ khi phát hiện ra Omicron, biến chủng này đã lây nhiễm cho hơn 80 triệu người trên thế giới, nhiều hơn tất cả các trường hợp được báo cáo vào năm 2020 và đã giết chết hơn 386.000 người.
Nhiều lần các chuyên gia tại WHO đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện thêm nhiều các biến chủng khi Omicron lan truyền nhanh chóng. Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, hôm 25/1 dự báo rằng biến chủng tiếp theo sẽ dễ lây lan hơn Omicron.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 27/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 362.859.116 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.644.733 ca tử vong. Số ca hồi phục là 286.730.028 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 74.121.996 ca mắc và 898.294 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 40.369.585 ca mắc và 491.729 ca tử vong; Brazil với 24.553.950 ca mắc và 624.507 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 3.483.019 ca mắc mới và 10.216 ca tử vong.
Bùi Hằng (T/h)