Tây Ninh: Du lịch “cất cánh”, tăng trưởng kinh tế vươn lên dẫn đầu vùng Đông Nam Bộ
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ. Ngành du lịch của tỉnh ước đạt 3,9 triệu lượt khách, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã vươn lên dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Bộ. Riêng ngành du lịch của tỉnh ghi nhận con số ấn tượng với 3,9 triệu lượt khách, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.145 tỷ đồng tăng 37,3%, đạt 93,3% so với kế hoạch đề ra cho năm. Đặc biệt, trong tháng 8/2024, du lịch Tây Ninh đã đón hơn 276.000 lượt khách, tăng 17,7% so với cùng kỳ, mang lại doanh thu 158 tỷ đồng (tăng 43,6%). Dự báo trong 3 tháng cuối năm, lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng mạnh, hứa hẹn một kết quả rực rỡ cho ngành du lịch tỉnh nhà.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, để hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ đẩy mạnh các chính sách đột phá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ. Với lợi thế thiên nhiên phong phú và tiềm năng du lịch đa dạng, Tây Ninh đang tập trung vào việc quảng bá hình ảnh tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế. Các giải pháp xúc tiến này không chỉ tăng cường liên kết giữa Tây Ninh với các địa phương khác mà còn giúp nâng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ du lịch.
Du lịch được xác định là ngành đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Hiện tại, tỉnh đang đẩy mạnh hợp tác với 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ và ký kết hợp tác phát triển du lịch với Saigontourist Group cho giai đoạn 2024-2029. Sự hợp tác này mở ra cơ hội khai thác các loại hình du lịch đặc thù như du lịch công nghiệp, du lịch đường sông và làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng tổ chức nhiều đoàn Famtrip nhằm kết nối với các công ty lữ hành trên cả nước, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch của tỉnh.
Tỉnh Tây Ninh cũng không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với Vương quốc Campuchia và các địa phương của Hàn Quốc. Các sản phẩm du lịch và đặc sản của Tây Ninh đã bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế, các chuyến bay của Vietnam Airlines, cũng như trên các nền tảng số giúp mở rộng phạm vi tiếp cận du khách quốc tế.
Những năm gần đây, Tây Ninh đã khai thác mạnh mẽ các tiềm năng du lịch, đầu tư nâng cấp nhiều khu, điểm du lịch và cải thiện chất lượng dịch vụ. Việc này không chỉ giúp tăng lượng du khách mà còn tạo cơ hội tiêu thụ nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của tỉnh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo Ông Trần Anh Minh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tỉnh đã thành lập Tổ Công tác để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2026, trong đó du lịch được xác định là trọng điểm. Cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Tây Ninh, tỉnh đang phối hợp với các cơ quan quản lý để không ngừng cải thiện chất lượng du lịch, góp phần thúc đẩy Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, Tây Ninh còn tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử, nâng tầm các lễ hội lớn như Lễ hội Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và lễ hội ẩm thực chay. Đặc biệt, tỉnh đang tích cực tu bổ Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam để chào mừng các sự kiện lớn vào năm 2025, đánh dấu 50 năm giải phóng miền Nam.
Để đạt được những thành tựu này, Tây Ninh cũng đẩy mạnh quản lý nhà nước và vận động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, phát triển hình ảnh du lịch. Tỉnh không chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc xây dựng văn hóa du lịch văn minh, lịch sự, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Tây Ninh trên cả nước.
Hồng Gấm