Thứ ba, 26/11/2024 02:19 (GMT+7)
Thứ hai, 23/09/2019 14:10 (GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần điều chỉnh linh hoạt trong thực tiễn

Theo dõi KTMT trên

Các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu “chốt” phương án tăng tuổi nghỉ hưu tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 sắp tới.

Cụ thể, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hôm 20/9 đã thống nhất đề xuất 2 phương án tăng tuổi hưu. Tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua và sau một số lần chỉnh sửa, Chính phủ đã trình đề xuất quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012: Đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần điều chỉnh linh hoạt trong thực tiễn - Ảnh 1
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được điều chỉnh linh hoạt. Ảnh minh họa.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người lao động về vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động trên diện rộng, với trên 1 triệu lao động. Đánh giá về con số 49,3% người lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng; 50,7% người lao động không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nếu chỉ quy định giảm tuổi hưu cho người lao động thuộc các lĩnh vực nặng nhọc độc hại, thì vô hình trung tuổi hưu của đối tượng này vẫn là ở mốc 55 tuổi, giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại

Việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động, tính đến các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.

Bên cạnh đó, bà Hà còn cho rằng, nên phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, quy định như hiện nay dễ dẫn đến hiểu lầm, do đó nên đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu trên vào Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức… còn khu vực sản xuất kinh doanh đề xuất tăng chậm hơn nữa.

Trên cơ sở còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về Tuổi nghỉ hưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Phương án 2: Theo như đề xuất do Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Đề xuất của Chính phủ trình được chọn là phương án 1

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá ưu điểm riêng của các phương án tăng tuổi hưu. Đặc biệt, phương án 2 (theo đề xuất của Chính phủ) có lộ trình rõ ràng với đánh giá tác động cụ thể.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuyển phương án 2 (theo đề xuất của Chính phủ) thành phương án 1 và chuyển phương án 1 trong đề xuất của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thành phương án 2.

Dự kiến, các đề xuất trên sẽ được tổng hợp và gửi tới đại biểu quốc hội thuộc các đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, thành nghiên cứu trước và sẽ bỏ phiếu thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần điều chỉnh linh hoạt trong thực tiễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới