Tầng ozone là gì, nguyên nhân gây thủng tầng ozone?
Nếu tầng ozone bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất, con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào, sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần.
Tầng ozone là gì?
Khí ozone gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Hàm lượng khí ozone trong không khí rất thấp, chiếm một phần triệu, chỉ ở độ cao 25 - 30 km trong tầng bình lưu, khí ozone mới đậm đặc (chiếm tỉ lệ 1/100.000 trong khí quyển) hình thành một lớp không khí giàu khí ozone, thường được gọi là tầng ozone.
Bảo vệ tầng ozone là bảo vệ cuộc sóng của chính chúng ta. Ảnh minh họa |
Nếu tầng ozone bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất. Con người sống trên Trái đất có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần. Bởi vậy, các nước trên thế giới đều rất lo sợ trước hiện tượng thủng tầng ozone.
Nguyên nhân nào dẫn đến thủng tầng ozone?
Tháng 10/1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng khí ozone trên không trung Nam Cực xuất hiện một “lỗ thủng” rất lớn, bằng diện tích nước Mỹ. Năm 1987, các nhà khoa học Đức lại phát hiện tầng khí ozone ở vùng trời Bắc Cực có hiện tượng mỏng dần, có nghĩa là chẳng bao lâu nữa tầng ozone ở Bắc Cực cũng sẽ bị thủng. Thông tin này nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới và làm chấn động dư luận.
Tầng ozone bị thủng chính là do các chất khí thuộc dạng freon gây ra, các hóa chất đó không tự có trong thiên nhiên mà do con người tạo ra. Ảnh minh họa |
Các nhà khoa học đều cho rằng, nguyên nhân này có liên quan tới việc sản xuất và sử dụng tủ lạnh trên thế giới. Sở dĩ, tủ lạnh có thể làm lạnh và bảo quản thực phẩm được lâu là vì trong hệ thống ống dẫn khép kín phía sau tủ lạnh có chứa loại dung dịch freon thể lỏng (thường gọi là “gas”). Nhờ có dung dịch hóa học này tủ lạnh mới làm lạnh được. Dung dịch freon có thể bay hơi thành thể khí. Khi chuyển sang thể khí, freon bốc thẳng lên tầng ozone trong khí quyển Trái đất và phá vỡ kết cấu tầng này, làm giảm nồng độ khí ozone.
Không những tủ lạnh, máy lạnh cần dùng đến freon mà trong dung dịch giặt tẩy, bình cứu hỏa cũng sử dụng freon và các chất thuộc dạng freon. Trong quá trình sản xuất và sử dụng các hóa chất đó không tránh khỏi thất thoát một lượng lớn hóa chất dạng freon bốc hơi bay lên phá hủy tầng ozone. Qua đó, chúng ta thấy rằng, tầng ozone bị thủng chính là do các chất khí thuộc dạng freon gây ra, các hóa chất đó không tự có trong thiên nhiên mà do con người tạo ra. Rõ ràng, con người là "thủ phạm" làm thủng tầng ozone, đe dọa sức khỏe của chính mình.
Sớm ngừng sản xuất và sử dụng các hóa chất dạng freon là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu tầng ozone. Nhiều hội thảo quốc tế đã bàn tính các biện pháp khắc phục nguy cơ thủng rộng tầng ozone. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu sản xuất loại hóa chất khác thay thế các hóa chất ở dạng freon, đồng thời sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nước đang phát triển. Có như vậy, việc ngừng sản xuất freon mới trở thành hiện thực. Muốn đạt được yêu cầu thiết thực này, không chỉ riêng một vài nước mà cả thế giới đều phải cố gắng thì mới có thể bảo vệ được tầng ozone của Trái đất.
Từ số Tạp chí in tháng 9/2019, Tạp chí Kinh tế Môi trường mở thêm chuyên mục Hỏi - Đáp về môi trường nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề “nóng” tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Các kiến thức, khái niệm được tham khảo trong cuốn sách “Hỏi – Đáp về môi trường” của Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trên cơ sở tổng hợp và xử lý các thông tin với sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực môi trường. Hi vọng những kiến thức được đề cập sẽ thực sự là cẩm nang bổ ích cho bạn đọc là những người yêu thích tìm hiểu về môi trường cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường. Mọi thông tin, câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề môi trường, mời bạn đọc gửi về: Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tầng 4 Cung Trí thức Thành phố, Số 1 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0242.213.4499. Email: [email protected]. |
Tường Vy