Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 42/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nội dung chỉ thị nêu, trước xu thế BĐKH, nước biển dâng diễn ra nhanh và phức tạp, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng; đặt ra yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại, phát triển bền vững đất nước.
Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội. Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là cấp cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Cùng đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, thể chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, có chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này. Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, các lưu vực sông liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực đông dân cư và xu hướng BĐKH, nước biển dâng.
Đặc biệt, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Chú trọng đầu tư công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo KTTV, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.
Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền.
Tiếp đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đa dạng hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cụ thể, đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đảm bảo an toàn nơi ở cho đồng bào; tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm lòng sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển.
Đối với vùng Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Vùng Nam Bộ, chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lún đất.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ trung ương đến cơ sở. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước làm công tác này theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo.
Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, điều hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông và các quốc gia trong khu vực. Nâng cao hiệu quả về hỗ trợ quốc tế trong thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà Việt Nam tham gia.
Ngoài ra, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuyết Chinh