Tàn phá hệ sinh thái có thể làm gia tăng đại dịch như Covid-19
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, các bệnh gây chết người có nguồn gốc từ động vật hoang dã như Covid-19 ngày càng gia tăng khi hệ sinh thái tự nhiên bị tàn phá.
Cháy rừng Amazon tại Brazil gây thảm hoạ cho hệ sinh thái và môi trường trong khu vực (Ảnh Reuters). |
Theo The Guardian, nghiên cứu đánh giá gần 7.000 cộng đồng động vật ở 6 châu lục cho thấy việc khai hoang, biến các vùng hoang dã thành đất nông nghiệp hoặc khu dân cư, đã tận diệt các loài động vật lớn. Ngược lại, các loại động vật nhỏ hơn hưởng lợi từ việc khai hoang bởi chúng dễ thích nghi hơn. Điều đáng chú ý là những loại động vật nhỏ như dơi và chuột mang nhiều mầm bệnh có thể lây truyền sang người.
Các nhà khoa học phát hiện rằng việc tàn phá hệ sinh thái tự nhiên tạo điều kiện cho chuột, dơi và các loài sinh vật nhỏ khác sinh sôi nảy nở. Các loài sinh vật này mang nhiều mầm bệnh gây chết người, điển hình như Covid-19. Cụ thể, quần thể các loại động vật mang mầm bệnh có thể truyền sang người ở các khu vực có hệ sinh thái bị tàn phá lớn hơn gấp 2,5 lần, và tỉ lệ các loài động vật này tăng tới 70% so với các hệ sinh thái không bị tổn thương.
Tài nguyên thiên nhiên đang dần bị huỷ hoại |
Điều này làm tăng nguy cơ con người bị nhiễm các loại bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã như virus HIV (gây suy giảm hệ miễn dịch), Zika (gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh), Sars (gây suy hô hấp cấp tính) và Nipah (gây viêm phổi và suy hô hấp cấp tính). Các loại virus này đều có khả năng gây chết người và có sức lan truyền mạnh. Đại dịch Covid-19 mà thế giới đang hứng chịu là một loại virus Sars có nguồn gốc từ dơi hoặc cầy hương.
Virus Corona gây ra đại dịch Covid-19 cũng có nguồn gốc từ động vật hoang dã. (Ảnh AA) |
Ngay từ khi Covid-19 mới bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên Hợp Quốc (UN) đều cảnh báo rằng chúng ta cần giải quyết nguyên nhân sâu xa của những đợt bùng phát này - sự tàn phá thiên nhiên - chứ không chỉ giải quyết các vấn đề về kinh tế và sức khỏe.
Hồi tháng 6 vừa qua, các chuyên gia cũng nhận định rằng đại dịch Covid-19 là tín hiệu SOS cảnh báo về các hoạt động khai thác tận diệt của con người.
Trước đó, hồi tháng 4, các chuyên gia hàng đầu về đa dạng sinh học cũng cảnh báo về khả năng bùng phát nhiều dịch bệnh chết người hơn nếu như tự nhiên không được bảo vệ.
Minh Anh