Thứ sáu, 20/09/2024 23:41 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/04/2021 11:05 (GMT+7)

Tận dụng sức lao động của gia súc để bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Để giảm rác thải ô nhiễm môi trường ở nông thôn, tại nhiều địa phương người dân đã tận dụng sức lao động của gia súc thành phương tiện vận chuyển rác thải.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn là câu chuyện đã cũ nhưng luôn nóng, bởi những áp lực ngày càng gia tăng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.

Tận dụng sức lao động của gia súc để bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Rác thải nông thôn.

Tình trạng rác thải nông thôn

Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối. Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước.

Tại Bắc Ninh, theo thống kê, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình… lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch.

Tận dụng sức lao động của gia súc để bảo vệ môi trường - Ảnh 2

Còn tại Nghệ An vùng nông thôn hàng ngày phát sinh ra môi trường gần 900 tấn rác thải. Hầu hết các chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy (nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật…). Riêng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn của tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng như chợ, đường giao thông và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Mặc dù đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân với mức thu thấp, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Khi xe trâu là phương tiện thu gom rác nông thôn

Để giảm bớt sức lao động và chi phí, nhiều đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tại nhiều xã, phường ở vùng nông thôn tỉnh Nghệ An đã sử dụng trâu kéo xe thay cho các loại xe đẩy, xe cơ giới chuyên dùng chở rác. Giải pháp này đã đem lại hiệu quả cao, bởi đã giảm được chi phí vận chuyển, sức lao động và quan trọng hơn, xe trâu kéo có thể len lách vào các con đường dốc, gập ghềnh, ngõ hẻm.

Xe trâu là phương tiện thô sơ, dễ luồn lách đi vào các hẻm nhỏ, không gây ô nhiễm môi trường qua việc xả thải nhiên liệu và tiếng ồn. Ở Đô Lương  nhiều năm trước đây, rác sinh hoạt, nhất là túi ni lông sau khi sử dụng được gom lại, sau một thời gian khi rác nhiều sẽ đem đốt, gây ô nhiễm môi trường. Có người thì đốt ngay sau vườn nhà, có người đốt phía trước cổng, nhiều gia đình gom lại rồi đem vào đồi núi gần nhà để đốt. Cũng có những người khác đem rác vào chân núi vứt bừa bãi, nhếch nhác. Việc túi ni lông “đậu” trên bờ rào là chuyện bình thường.

Thế nhưng những năm gần đây, đường làng đã trở nên sạch đẹp hơn. Một số nơi chẳng những không còn bóng rác ven đường mà đường làng lại nở hoa với nhiều sắc màu khác nhau khi được người dân trồng và chăm sóc chu đáo.

Tận dụng sức lao động của gia súc để bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Ông Trương Đình Thìn (nhà ở xóm 3, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đang làm công việc gom rác cùng với chú trâu và chiếc xe quen thuộc. Ông làm công việc này đã được nhiều năm. Ông đi gom rác ở các xóm rồi chuyển ra đê sông Đào – nơi trung chuyển rác. Rác thải này được chuyển đến xã Hồng Sơn để xử lí.

Hình ảnh chở rác bằng xe trâu thật đẹp và ấn tượng. Để thôn xóm sạch đẹp, người dân không phải vứt rác bừa bãi mà chỉ cần bỏ rác trước cổng là có xe trâu đến nhận. Xe trâu là phương tiện thô sơ, dễ luồn lách đi vào các hẻm nhỏ, không xả thải nhiên liệu và tiếng ồn nên không gây ô nhiễm môi trường.

Tính tổng chi phí để nuôi một trâu kéo xe chở rác rẻ hơn rất nhiều lần so với đầu tư mua xe cơ giới. Hằng ngày trâu chỉ ăn hết khoảng 20.000 đến 30.000đ tiền mua thức ăn cho trâu, còn một xe cơ giới thu gom rác có thể tiêu thụ hết hơn 100.000đ tiền xăng dầu.

Để khắc phục về tài chính, nhiều làng, xã đã tìm ra giải pháp “mang trâu đi gom rác”. Vì vậy, chiếc xe thu gom rác không xăng dầu đã nhanh chóng được nhiều địa phương áp dụng vào thu gom rác sinh hoạt hằng ngày.

Đường làng thông thoáng, việc lấy rác bằng xe trâu tuy không nhanh như xe cơ giới nhưng lại đảm bảo sự an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó cũng là nét đẹp riêng vùng thôn quê.

Để giải quyết tốt bài toán rác thải nông thôn, các địa phương đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại chất thải tại nguồn. Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh rạch. Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải.

Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn.Theo đó, khi có được sự đồng lòng, thống nhất giữa người dân, cơ quan quản lý, cùng những định hướng chính sách phù hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp thì bài toán rác thải nông thôn sẽ sớm được giải quyết.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Tận dụng sức lao động của gia súc để bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

DNP Water khánh thành Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh
Ngày 20/09/2024, Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh - một trong những dự án trọng điểm của DNP Water - đã chính thức đi vào vận hành sau 12 tháng thi công, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng cấp nước của tỉnh Khánh Hòa.
SeABank chú trọng đẩy mạnh tín dụng xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh chính là một trong những giải pháp mà rất nhiều các tổ chức tài chính hướng đến.

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.