Tận diệt núi rừng là hủy hoại tài nguyên quốc gia!
Xưa, cha ông ta quai đê lấn biển, bạt núi ngăn sông là để mở rộng bờ cõi, bảo vệ vị trí xung yếu phòng thủ an ninh. Ngày nay, các ông trùm bất động sản (BĐS) cũng ngày đêm mở đất, lấp biển nhưng lại âm mưu thâu tóm tài nguyên thiên nhiên quốc gia làm của riêng.
Toà soạn Kinh tế Môi trường giới thiệu bài viết bày tỏ quan điểm về bảo vệ môi trường thiên nhiên trong đầu tư dự án BĐS của LS Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển như vũ bão hiện nay, các dự án BĐS không chỉ đua nhau mọc san sát trên những mảnh đất màu mỡ, mà còn “bủa vây” cả những dòng sông, ven biển. Thậm chí trên cả đỉnh núi cũng đã xuất hiện vô số những tòa nhà bê tông cao vút với biệt thự, khách sạn hạng sang, lâu đài đầy kiêu hãnh như thách thức lòng người và bất chấp các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại, thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ để lại hệ luỵ lâu dài… Có thể bắt gặp ở nhiều nơi nổi tiếng du lịch giờ là cảnh tượng những ngọn núi bị xé toạc, cạo trọc nham nhở, màu xanh của núi rừng dần biến mất, nhiều dòng sông, ven biển bị ô nhiễm. Cảnh quan thiên nhiên đã bị phá nát và chắc chắn không thể phục hồi được.
Những công trình lâu đài nguy nga, tráng lệ mọc lên sừng sững giữa đại ngàn Tam Ðảo (Vĩnh Phúc). Ảnh minh họa |
Vấn đề đáng nói hiện nay là quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường đã và đang bị xem thường, công tác thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm chưa hiệu quả, nếu không nói là “giơ cao đánh khẽ” dẫn tới tình trạng vi phạm của doanh nghiệp xâm phạm và phá huỷ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia ngày càng phổ biến, bất chấp pháp luật. Dư luận cũng bày tỏ bức xúc khi nhiều doanh nghiệp ngang nhiên biến “của công” thành “của ông” thông qua hoạt động xây dựng dự án, khai thác rừng núi, sông biển ồ ạt như hiện nay.
Tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác cạn kiệt, trong đó đất đai ngày càng thu hẹp dần để nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng bê tông kiên cố, trung tâm thương mại sầm uất, nhà phố kiểu phương Tây trong xu hướng chuộng lối sống thời thượng vương giả. Trong khi những sản phẩm ấy chỉ dành cho số ít người giàu có thu nhập cao, còn phần đông người dân Việt vẫn chưa có khả năng mua bất động sản và tiêu dùng dịch vụ hạng sang. Thế nhưng, các đại gia bất động sản đã nhanh chân “xí chỗ” bám đất rừng, bám vịnh biển để đầu tư những dự án bất động sản hoành tráng khi nhìn ra cơ hội kiếm lợi nhuận “siêu khủng”.
Công trình xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: Theo Zing.vn |
Như vậy, rừng núi, sông biển là tài nguyên thiên nhiên, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, lẽ ra phải phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích chung của cộng đồng, nhưng hễ doanh nghiệp nào “rào lại được” thì sẽ là của mình. Lợi nhuận rất lớn, quá trình xin dự án đầu tư BÐS còn nhiều bất cập và quản lý lỏng lẻo nên các nhóm lợi ích cứ thế “xẻ thịt” ngang dọc núi rừng, sông biển để làm dự án, chiếm giữ cảnh quan thiên nhiên, phá huỷ môi trường sinh thái không thương tiếc. Có thể kể đến những “siêu dự án nghỉ dưỡng” đang xâm chiếm tài nguyên thiên nhiên như dự án Anh Nguyễn Ocean Front Villas xây dựng hàng chục lô biệt thự trên núi Chụt, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ngọn núi Chụt đã bị xẻ ngang, cắt dọc, cây rừng nằm xuống… nhường chỗ cho những căn biệt thự có giá hàng triệu đô la.
Cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, diện tích cây xanh biến mất, sẽ dẫn tới hệ quả là lũ lụt, sạt lở tăng cao. Một số dự án mang danh tôn tạo, phát triển du lịch, phủ xanh núi rừng lại dần “biến hình” thành dự án BÐS như dự án trồng rừng ở núi Chín Khúc, Khánh Hòa. Ðược biết, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa lập dự án trồng rừng với quy mô 19,65 ha nhằm mục đích phòng hộ, tạo lá phổi xanh cho TP Nha Trang. Nhưng chưa đầy 3 năm sau, dự án bất ngờ được cho chuyển đổi sang xây biệt thự, nhà ở liền kề, trung tâm thương mại để bán và kinh doanh.
Núi Chín đã bị cạo trọc nham nhở để nhường chỗ cho dự án nghỉ dưỡng sau khi được "phù phép" chuyển đổi từ dự án trồng rừng. Ảnh: Zing |
Một “siêu dự án” của Tập đoàn SunGroup đầu tư là dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Tam Ðảo II tại khu vực núi Tam Ðảo, Vĩnh Phúc cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Với định hướng phát triển du lịch tâm linh – nghỉ dưỡng, dự án Tam Ðảo II sẽ nằm trong khu đất thuộc địa phận Tam Ðảo II và là một phần của Vườn Quốc gia Tam Ðảo rộng 36.883 ha. Riêng diện tích quy hoạch khu Tam Ðảo II lên tới khoảng 300 ha, dự kiến sẽ mọc lên những khách sạn siêu sang, biệt thự, sân golf, công viên giải trí, cáp treo… nằm bám trên những dãy núi rừng đặc dụng, có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, chưa bị con người khai thác, tàn phá. Thế nhưng, những thông tin về quy hoạch xây dựng siêu dự án này cùng báo cáo đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ của Tam Ðảo lại vẫn đang trong… sự bí ẩn!
Trong định hướng “vươn ra biển”, chủ đầu tư dự án Champarama Resort & Spa của Công ty CP Khu du lịch Champarama đã ngang nhiên lấn biển trái phép với diện tích 1,7 ha. Ðể thực hiện dự án, chủ đầu tư không chỉ đổ đất đá xuống biển tạo mặt bằng, mà còn đào múc hết những rạn san hô nguyên thủy nằm dọc bãi biển Bãi Tiên để tái sử dụng… Việc làm mất đi những dải san hô là vô cùng nguy hại cho môi trường biển nơi đây.
Ảnh minh hoạ |
Hay Công ty CP Tập đoàn Flamingo – chủ đầu tư dự án tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort tại Hải Phòng cũng “hăm hở” dời non, lấn biển, làm biến dạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Vẻ đẹp hoang sơ vốn có của đảo Cát Bà nằm trong sự kết nối với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đang dần biến mất. Hơn nữa, quá trình thi công xây dựng đã gây ảnh hưởng tới đường xá hiện hữu, xuất hiện “ổ gà, ổ trâu” do các xe quá tải thường xuyên di chuyển qua.
Hoạt động “xẻ núi, lấp biển” ngày đêm đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân trong vùng dự án và gây ra những hệ lụy lâu dài đến công tác bảo tồn di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Khai thác tài nguyên không gắn liền với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, sự tận diệt huỷ hoại thiên nhiên tận cùng cũng như đặt lợi ích cá nhân, doanh nghiệp lên trên lợi ích quốc gia thì chắc chắn phát triển kinh tế với mũi nhọn du lịch sẽ là bước đi thụt lùi!
LS Trương Anh Tú